Hoàng Thị Thập
1. Nhà văn Mỹ John Steinbeck (1902-1968) là một nhà văn lớn của văn học hiện đại thế kỷ XX. Ông sáng tác ở nhiều thể loại nhưng thành công hơn cả là ở thể loại tiểu thuyết. Các tác phẩm của Steinbeck ở thể loại này đã đưa ông vào hàng ngũ những người “làm nên Thời đại tiểu thuyết Mỹ”[1]. Xuất phát từ mục đích sáng tác muốn lay gọi, thức tỉnh tâm hồn thời đại, nhà văn chủ trương viết theo quan điểm: không mục đích luận (non-teleological), tức phản ánh khách quan thực tại. Cách viết ấy đã góp phần đem lại vinh quang cho ông. Không phải ngẫu nhiên mà Viện Hàn lâm Thụy Điển năm 1962 đã tôn vinh ông là nhà văn “có những trang viết đầy hiện thực nhưng cũng giàu chất tưởng tượng, đồng thời mang nét hài hước đầy nhân ái và nhận thức sâu sắc về xã hội”[2]. Mặc dù cách viết “đầy hiện thực” của ông đã được khẳng định, nhưng đây cũng là lý do khiến suốt hơn nửa thế kỷ qua, cho đến gần đây xuất hiện không ít ý kiến cho rằng tác phẩm của ông, đặc biệt là bộ ba tiểu thuyết viết trong giai đoạn 1936-1939: Trong cuộc đấu bất phân thắng bại (1936), Của Chuột và Người (1937), Chùm nho phẫn nộ (1939), là những tác phẩm chỉ viết về sự kiện của một thời, “thuyết minh cho một giai đoạn lịch sử”… Sự không đồng thuận trong đánh giá về tiểu thuyết Steinbeck phần nào thể hiện tính chất động và đa phức tự thân của chúng. Để lại những tác phẩm sau hơn nửa thế kỷ vẫn tiếp tục mời gọi tranh luận, chắc chắn nhà văn đã thể hiện khả năng riêng trong việc vận dụng các phương thức tự sự. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một phương diện nghệ thuật của tiểu thuyết Steinbeck: mở rộng phạm vi truyện kể nhìn từ đặc trưng liên văn bản (qua tác phẩm Trong cuộc đấu bất phân thắng bại). Hi vọng giúp độc giả thêm một góc nhìn về sự đóng góp của tiểu thuyết Steinbeck trong văn học thế giới về mặt thể loại.
2. Liên văn bản là một trong những thuật ngữ cơ bản trong việc phân tích tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại. Nó không chỉ được dùng như một phương tiện phân tích văn bản văn học mà còn để xác định cảm quan về thế giới và bản thân con người đương đại. Khái niệm liên văn bản được nhà phê bình người Pháp, Julia Kristeva, đề xuất năm 1967. Sau đó các nhà nghiên cứu như A.J. Greimas, R. Barthes, J. Lacan, M. Foucault, J. Derrida … triển khai, mở rộng nội hàm của nó theo nhiều hướng khác nhau. Năm 1982, nhà kí hiệu học người Pháp, G. Genette, đã biến khái niệm tính liên văn bản thành tính xuyên văn bản, một khái niệm khá rộng, thâu tóm cả năm khái niệm khác nhỏ hơn: liên văn bản, cận văn bản, siêu văn bản, kiến trúc văn bản, ngoa dụ văn bản. Tựu trung, có hai cách hiểu như sau về liên văn bản: liên văn bản như một thủ pháp văn học xác định (trích dẫn, ám chỉ, bình giải, nhại, bắt chước, vay mượn); cách hiểu khác, liên văn bản như là thuộc tính bản thể của mọi văn bản, “bất kỳ văn bản nào cũng là liên văn bản” (R. Barthes). Khái niệm liên văn bản nhắc nhở cho người đọc nhận biết một cách có ý thức rằng, mỗi văn bản tồn tại trong sự liên hệ với văn bản khác, có thể xuất hiện trước hoặc cùng thời. Sự kéo dài biên cương của văn bản này đến văn bản khác, đôi khi còn được mở rộng bởi hành vi có ý thức của người viết. Và, quan trọng là được “viết lại” bởi chính người đọc. Như Terry Eagleton kết luận: “Một văn bản nổi tiếng thường gắn liền với nó một lịch sử của những hành động đọc”[3]. Liên văn bản, hiểu một cách đơn giản, là có sự hiện diện, quan hệ của hai hay nhiều văn bản khác trong một văn bản và người đọc nhận ra được sự hiện diện, quan hệ đó. Việc đọc tác phẩm từ góc nhìn liên văn bản là lần tìm những tương liên và sự ẩn tàng trong văn bản để xác định một nền tảng hết sức tương đối, một ngữ cảnh, một hoàn cảnh xã hội, một giai đoạn lịch sử… để từ đó bắt đầu cuộc hành trình của sự tái tạo và diễn dịch. Chính vì vậy, khi xếp chồng lên nhau các văn bản, cho phép người nghiên cứu tìm thấy những mã văn bản: mã văn hóa, mã lịch sử… mà trung tâm của nó là mã của hình tượng văn học.
Đọc tiểu thuyết của Sterinbeck từ góc nhìn liên văn bản, chúng tôi nhận thấy, liên văn bản trong tác phẩm trước hết là biểu hiện thuộc tính bản thể của văn bản, đặc biệt hơn, liên văn bản là thủ pháp nghệ thuật - có chủ ý rõ ràng, để nhà văn tạo nên cấu trúc truyện kể.
3. Tác phẩm Trong cuộc đấu bất phân thắng bại và những tìm tòi cách tân tiểu thuyết
Tác phẩm Trong cuộc đấu bất phân thắng bại - tiểu thuyết thành công đầu tiên của Steinbeck, được viết năm 1936. Đó là thời kỳ văn học hiện đại thế giới đang vận động, biến đổi mạnh mẽ, đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết. Nhiều thể nghiệm độc đáo về cấu trúc tiểu thuyết, phương thức trần thuật… đã mang lại những thành tựu lớn cho thể loại này. Riêng ở Mỹ, đây là thời điểm những nhà văn như F. Fitzgerald, E. Hemingway, W. Faulkner… đã đạt đến đỉnh cao của sự thành công. Không có những bước đột phá táo bạo như các nhà văn kể trên nhưng với những tìm tòi, thể nghiệm cách viết, Steinbeck đem đến cho văn học Mỹ một vị phong vị khá đặc biệt. Trong khi F. Fitzgerald diễn tả thấm thía những giấc mơ vàng của tuổi trẻ bị tan vỡ trong thất bại và chán chường, Ernest Hemingway diễn tả những tâm trạng bất ổn sau chiến tranh … thì John Steinbeck quay về chủ đề xung đột quyền lợi xã hội theo cách riêng. Cả ba tác phẩm Trong cuộc đấu bất phân thắng bại (1936), Của Chuột và Người (1937), Chùm nho phẫn nộ (1939) của Steinbeck đều viết về cuộc sống của người lao động nhập cư ở California những năm sau khủng hoảng kinh tế 1929 -1933. Đây là đề tài được xem “quá quen thuộc” từ thế kỷ XIX. Viết về đề tài quen thuộc, Steinbeck không hoàn toàn rời bỏ kỹ thuật truyền thống, song xu hướng tìm tòi cách kết cấu mới, thử nghiệm kỹ thuật viết hiện đại đã vượt trội. Trong đó, điểm nhấn góp phần làm nên thành công của tiểu thuyết Steinbeck là bút pháp nghệ thuật gợi nhiều hơn miêu tả trực tiếp. Đặc trưng nghệ thuật hiện đại là sự “gợi mở cái thể nghiệm nhiều hơn là miêu tả hoặc bình luận nó”[4]. Cách thức này đã giúp các nhà văn miêu tả thế giới trong phẩm chất cô đúc, tạo khoảng trống, “khoảng trắng” cho người đọc đồng sáng tạo. Việc phá vỡ nguyên tắc tự sự của văn chương truyền thống, cùng với cảm quan giải trung tâm, tiểu thuyết hiện đại đào sâu vào bản chất hỗn độn của hiện thực cuộc sống cũng như sự đa chiều kích trong tâm hồn con người. Trong xu hướng đó, với đặc trưng là thể loại tiếp xúc với môi trường cái hiện tại chưa hoàn thành, tiểu thuyết luôn biến chuyển, luôn “mở” và ôm chứa vào nó nhiều vấn đề, nhiều thể loại khác. Tiểu thuyết của Steinbeck không nằm ngoài xu hướng chung đó. Trong cuộc đấu bất phân thắng bại là tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự thành công trong bước đường tìm tòi, thể nghiệm của Steinbeck. Đây là một trong những tác phẩm mà yếu tố liên văn bản trở thành sự “cố ý” nhằm mở rộng cấu trúc truyện kể thông qua sự tương tác các mã lịch sử, mã văn hoá và sự “liên phối” các văn bản thể loại khác.
3.1. Mã lịch sử trong mối tương tác liên văn bản và sự mở rộng phạm vi truyện kể
Như nhiều tác phẩm của Steinbeck, Trong cuộc đấu không phân thắng bại được ông xây dựng trên chất liệu là những sự kiện lịch sử xã hội Mỹ những năm sau 1930. Sau khủng hoảng kinh tế, nước Mỹ bước vào giai đoạn thực hiện chính sách Kinh tế mới. Chính sách Kinh tế mới tạo biến chuyển lớn trong kinh tế, xã hội Mỹ nhưng cùng với đó, thất nghiệp, đình công, đói khát, không nhà cửa… là hình ảnh bi đát của nước Mỹ trong thời gian này. Diễn biến dữ dội của xã hội trở thành đề tài, cảm hứng cho sáng tác của Steinbeck. Ra mắt công chúng 1936, Trong cuộc đấu không phân thắng bại thu hút độc giả bởi tính thời sự nóng bỏng của nó. Người ta nhanh chóng tìm ra mối liên hệ giữa sự kiện, nhân vật trong tác phẩm với sự kiện xã hội xảy ra tại San Francisco năm 1934. Đó là cuộc đình công của công nhân hái táo thung lũng Togas dưới sự lãnh đạo của Pat Chambers, một đảng viên cộng sản Mỹ. Khi đó, để ngăn chặn nguy cơ lan rộng của cuộc đình công, chính phủ Mỹ đã cho phép cảnh sát nổ súng vào những người đình công khiến 2 người chết và nhiều người bị thương. Trong lịch sử Mỹ, sự kiện này được gọi là Ngày Thứ năm đẫm máu. Steinbeck khi đó được phân công viết một bài về sự kiện này cho một tạp chí nổi tiếng. Không hài lòng với phạm vi hạn hẹp ở bài báo, ông đã có ý định viết một tác phẩm lớn. Năm 1935, ông đã viết cho một người bạn: “Tôi đang có ý định viết về một cuộc đình công mà tôi biết rất rõ. Nhưng tôi muốn viết về một điều lớn hơn chứ không đơn giản như vậy. Tôi không hứng thú với cuộc đình công với ý nghĩa đòi tăng lương và tôi cũng không hứng thú với ý nghĩa đấu tranh chính trị xã hội đòi dân chủ, chúng đơn giản chỉ là điều kiện. Con người thù ghét chính đồng loại của mình. Con người có thể thắng được các kẻ thù tự nhiên nhưng anh ta không thể đánh thắng bản thân trừ phi anh ta giết tất cả các cá nhân khác. Tôi muốn sử dụng một đình công nhỏ trong một thung lũng vườn cây ăn quả như là biểu tượng của cuộc chiến vĩnh cửu, cay đắng của con người với con người”[5]. Lời giải thích của Steinbeck về việc chọn diễn biến một cuộc đình công làm tình huống cho truyện kể của mình đã bộc lộ cảm nhận tinh nhạy về những vấn đề xã hội hiện đại. Ông nhận thấy sự phức tạp, chất chứa nhiều mâu thuẫn có tính nhân loại trong trong một hiện tượng lịch sử cụ thể. Với chất liệu lịch sử, Steinbeck đã hư cấu, thiết kế lại sự kiện, tạo ra một thế giới nghệ thuật riêng nhằm tái hiện đời sống theo cách riêng.
Xét từ quan niệm cốt truyện truyền thống, Trong cuộc đấu bất phân thắng bại là câu chuyện khá đơn giản. Diễn trình hành động của tác phẩm không có nhiều biến cố, sự kiện. Truyện kể về tám ngày ngắn ngủi của Jim Nolan – một thanh niên trẻ, từ khi anh ta rời gia đình để trở thành người lãnh đạo công nhân đình công cho đến khi cuộc đình công thất bại và anh ta bị những người cản đình công bắn chết. Có lẽ cốt truyện đơn giản gắn với các sự kiện có thật khiến nhiều người kết luận: Trong cuộc đấu bất phân thắng bại chỉ như là “một phóng sự nhằm tuyên truyền tư tưởng”. Sức mạnh nghệ thuật nổi bật của tác phẩm Steinbeck chính là từ sự đơn giản gợi mở những vấn đề sâu rộng của cuộc sống, con người. Trong cách kể của nhà văn, nguyên mẫu Pat Chambers - người hùng trong mắt những người đình công và là kẻ cầm đầu nổi loạn trong mắt nhà cầm quyền, trở thành nhân vật Jim Nolan mà hành động của anh ta có ý nghĩa biểu tượng. Jim là một lao động trẻ trong một gia đình chịu nhiều ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế. Những đổ vỡ, mất mát của gia đình cùng những trải nghiệm đau đớn của bản thân khiến Jim không còn niềm tin vào cuộc sống. Cuộc sống, theo Jim, “chỉ là một mớ hỗn độn”. Phản ứng của Jim là nổi loạn, chống đối giới chủ. Sau khi ở tù, tâm thế nổi loạn một lần nữa dẫn dắt Jim đến với đảng. Tuy nhiên đây cũng không phải thứ mà anh ta tìm kiếm. Cái chết bi thảm kết thúc cuộc đời ngắn ngủi đầy bi kịch của Jim. Bi kịch của cuộc đời Jim là bi kịch chung của con người thời đại. Bi kịch của con người mất niềm tin, dù nỗ lực đến đâu anh ta cũng không tìm lại được vì thời đại đã không còn chân lí. Thời hiện đại đầy biến động dữ dội, như Milan Kundera nói: chân lí đã vỡ tan, mỗi người chỉ cầm nắm được một mảnh. Người đọc nhìn thấy ở Jim Nolan thân phận bi thảm của con người trong xã hội hiện đại.
Sự kiện lịch sử Ngày Thứ năm đẫm máu năm 1934 ở Mỹ cũng được ông tái hiện theo cảm quan riêng. Ở Trong cuộc chiến không phân thắng bại, Steinbeck không xây dựng những tính cách, chân dung tâm lý, cũng không bình luận các sự kiện, ông chỉ trưng ra các sự kiện, hành động. Nếu như sự kiện trong lịch sử cho phép các nhà xã hội học phân tích và đưa ra phán xét phải trái, đúng sai theo quan điểm của họ thì trong tác phẩm của Steinbeck điều ấy không diễn ra. Cuộc chiến được ông mô tả hết sức khách quan. Trong khi Hiệp hội những người chủ vườn dùng máu và cái chết, để đe dọa, trấn áp những người đình công thì để đáp trả, người đình công cũng không ngần ngại dùng cái chết, máu làm vũ khí. Trong cuộc đối đầu ấy, con người của cả hai phía đều nhỏ bé và trở thành nạn nhân của bạo lực. Vì thế, ấn tượng của tác phẩm với người đọc không phải ở những tính cách hay những chân dung tâm lý mà là ở không khí do tình huống câu chuyện kể đã gợi ra: không khí bạo lực. Đó là không khí chung của xã hội phương Tây ngay trước khi chiến tranh thế giới lần hai diễn ra. Gợi nên không khí đó, Steinbeck đã hướng người đọc đến ý nghĩa nhân sinh ở tầm phổ quát: nguy cơ con người hủy diệt lẫn nhau. Tiểu thuyết không có những phán xét duy nhất đúng về các chân lí mà đó chỉ là những giả thiết về đời sống để độc giả tìm giải pháp. Với cảm nhận khách quan, tinh nhạy về những biến đổi sâu sắc bên trong xã hội hiện đại, bằng câu truyện kể đơn giản, nhà văn đã giải phóng cách nhìn: chỉ ca ngợi hoặc phê phán một chiều về cuộc xung đột xã hội. Quả thực, yếu tố lịch sử giúp nhà văn mở rộng nhiều chiều cho câu chuyện kể của mình. Suy cho cùng, lịch sử chỉ là cái cớ để nhà văn triển khai những băn khoăn, trăn trở về thân phận con người. Đó là việc công khai bày tỏ sự thức nhận của cá nhân trước những chân lý tưởng chừng như xác tín, nghi ngờ những định kiến, giải thiêng những thần tượng, và đặc biệt là đề xuất những giá trị mới bằng kinh nghiệm cá nhân.
3.2. Mối tương tác liên văn bản và sự mở rộng cấu trúc bên trong của truyện kể
Theo quan điểm của các nhà lý luận của chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc, tất cả: văn học, văn hoá, xã hội, lịch sử, bản thân con người, đều được khảo sát và được “đọc” như văn bản. G. Genette cụ thể hơn, xem liên văn bản bao hàm năm khái niệm khác nhỏ hơn: liên văn bản là sự cùng hiện diện trong một văn bản của hai hay nhiều văn (trích dẫn, điển tích, đạo văn…); cận văn bản… như là quan hệ giữa văn bản với phụ đề, lời nói đầu, đề bạt, đề từ… Từ cách nhìn của Genette, độc giả có thể thấy sự hiện diện của nhiều văn bản khác trong Trong cuộc chiến không phân thắng bại. Liên văn bản thể hiện ở nhiều cấp độ, từ nhan đề, đề từ tác phẩm cho đến tình huống của truyện kể.
Yếu tố đầu tiên dễ nhận thấy, đó là nhan đề và đề từ của tác phẩm. Nhan đề của tiểu thuyết Steinbeck thường là những cụm từ, câu, đoạn văn, đoạn thơ được ông lấy ra từ các tác phẩm khác. Nhan đề Chùm nho phẫn nộ được trích từ một câu thơ trong Thánh ca cho nền cộng hòa (1861, Julia Ward Howe), Của Chuột và Người lấy từ một câu thơ trong bài Về chuột (1667, Roberrt Burn), nhan đề và đề từ Trong cuộc chiến không phân thắng bại là một đoạn trong trường ca Thiên đường đã mất (1786, John Milton). Các trích dẫn này là biểu hiện của liên văn bản, theo cách gọi của Genette, đó là “cận văn bản”. Những nhan đề và đề từ ấy liên kết thế giới trong tác phẩm với một thế giới khác giao thoa với nó, góp phần mở rộng giới hạn truyện kể tiểu thuyết của Steinbeck.
Đề từ của Trong cuộc chiến không phân thắng bại là chín câu trích từ chương một của Thiên đường đã mất: “Vô số lực lượng trong thế giới linh thần/ Không thích triều đại của Ngài, và như tôi biết,/ Quyền lực vô biên đối mặt với sức mạnh chống đối,/ Trong cuộc đấu không phân thắng bại trên Địa đàng./ Ngai báu của ngài rung chuyển. - Thiên đường bị mất sao?/ Tất cả, không thất bại - cũng không chiến thắng,/ Và sục sôi nuôi mãi căm ghét, sự trả thù,/ Lòng can đảm cống hiến không bao giờ mang lại:/ Những gì mong đợi được đổi thay”. Đoạn thơ diễn tả sự sụp đổ của Thiên đường khi các thiên thần nổi loạn chống lại quyền năng tuyệt đối của Chúa trời. Kết thúc cuộc chiến, dù Chúa trời đã đuổi Satan cùng các thiên thần nổi loạn xuống địa ngục cũng không thể xem Chúa trời đã chiến thắng vì từ khi có sự bất bình, nổi loạn thì quyền năng tuyệt đối của Chúa trời cũng như Thiên đường không còn nữa. Còn các thiên thần, dù đã bị đuổi khỏi Thiên đường cũng không thể xem họ đã thất bại bởi sự nổi loạn của họ đã làm sụp đổ “Thiên đường”, nó là biểu hiện của bất bình và thù hận. Đề từ là thành phần nằm ngoài văn bản nhưng nằm trong dự đồ nghệ thuật của tác giả nhằm nới rộng biên độ của truyện kể bằng trường liên tưởng. Chọn đoạn thơ này làm đề từ, Steinbeck hé mở cho người đọc dụng ý nghệ thuật của mình. Trọng tâm chú ý của nhà văn không phải là những vấn đề mâu thuẫn giai cấp, về quyền sở hữu hay hệ tư tưởng. Giọng điệu hoài nghi về trật tự của Thiên đường và giọng điệu bi quan về cuộc chiến của Satan với Chúa trời hướng người đọc suy nghiệm về sự hiện tồn của con người qua cuộc chiến đẫm máu giữa người đình công với giới chủ đất. Steinbeck nhìn thấy trong cuộc đấu tranh đòi quyền của mình ở thời hiện đại dư ảnh cuộc đấu tranh của các thiên thần nổi loạn trong Thiên đường đã mất. Xác lập mối quan hệ giữa Trong cuộc chiến không phân thắng bại với Thiên đường đã mất qua lời đề từ, nhà văn muốn hướng người đọc đến vẫn đề phổ quát hơn những gì hiện trên bề mặt văn bản. Nhiều vấn đề của Trong cuộc chiến không phân thắng bại chỉ có thể được phát hiện trong mối liên hệ với Thiên đường đã mất và xa hơn, với các truyền thuyết trong Kinh thánh. Thiên đường đã mất là thiên trường ca tôn giáo về sự phẫn nộ của những thiên sứ bị đày và về sự sa ngã của con người. Tác phẩm mô tả những sự kiện quan trọng trên thiên đường trước khi loài người xuất hiện, tổ tiên loài người, Adam – Eva, và sự phạm tội của họ dẫn đến sự trục xuất khỏi vườn địa đàng. Cuộc chiến trong Trong cuộc chiến không phân thắng bại của Steinbeck mang ý nghĩa sâu rộng hơn một cuộc đấu tranh giai cấp khi nó được đặt trong mối liên hệ với Thiên đường đã mất. Người đọc cảm nhận được dư vị cay đắng của một cuộc chiến giữa đồng loại: con người với con người chứ không phải giữa hai lực lượng khác biệt như trong tác phẩm của Milton. Kết cục cuộc chiến giống nhau, nhưng cuộc chiến Trong cuộc chiến không phân thắng bại mang bi kịch đau đớn hơn rất nhiều. Ý nghĩa gợi ra từ lời đề từ được mở rộng, sâu sắc hơn khi độc giả thâm nhập sâu vào tình huống của câu chuyện kể. Đây cũng là một điểm nổi bật trong tiểu thuyết của Steinbeck. Có những tình huống truyện đã quen thuộc trong văn học nhưng khi xuất hiện trong tác phẩm của ông, chúng lại bừng lên màu sắc, nội dung mới.
Thiên đường đã mất của Milton dựa theo cốt truyện của Kinh Thánh nhưng được mở rộng rất nhiều theo chủ ý của tác giả. Phần lớn cuốn sử thi này tập trung vào thiên thần nổi loạn Satan, tính cách và mưu đồ của Satan trong tương lai khi đã bị đày xuống địa ngục. Ý nghĩa về cuộc chiến của các thiên thần dưới sự xúi giục của Satan trong Kinh Thánh đã được khúc xạ qua Thiên đường đã mất. Trong tác phẩm của Milton, dù không giành chiến thắng, ngay cả khi đã bị đày xuống địa ngục, Satan vẫn không nguôi ý định quay trở lại tranh đấu. Ý nghĩa vĩ đại của Thiên đường đã mất là ở bức tranh tâm lý của cuộc đấu tranh giữa trời và địa ngục. Tư tưởng chính trị của Milton giúp ông tạo nên một hình ảnh Satan mà sự khát khao tự do của nó, dù dẫn đến cái ác, khiến độc giả đau đáu.
Xây dựng tình huống truyện gần giống tình huống Thiên đường đã mất nhưng Steinbeck không viết lại Thiên đường đã mất. Ông không miêu tả nhiều về nguyên nhân dẫn đến cuộc đối đầu giữa những người công nhân hái táo và Hiệp hội chủ vườn mà chủ yếu mô tả diễn biến tàn khốc của cuộc chiến. Cuộc chiến của công nhân hái táo dưới sự lãnh đạo, kích động của Mac và Jim Nolan chống lại lực lượng của Hiệp hội chủ vườn vừa mang âm hưởng cổ xưa trong truyền thuyết Kinh thánh, vừa tái hiện bức tranh tâm lý thù hận của Thiên đường đã mất đồng thời diễn tả sự tuyệt vọng của con người với chính con người thời hiện đại. Cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng, nghèo đói và đòi quyền của mình ở thời hiện đại để lại một cảm giác tuyệt vọng về khả năng khắc phục những xung đột của thế giới. Trường ca của Milton tìm kiếm nguyên nhân thất bại của con người bằng việc trở lại truyền thuyết Kinh thánh thông qua cuộc chiến giữa Chúa trời và các thiên thần nổi loạn dưới sự xúi giục của Satan. Mức độ tàn khốc trong cuộc nổi loạn của Satan và sự sụp đổ của con người trong Thiên đường đã mất được thể hiện vừa phải. Steinbeck đã vượt xa hơn theo hướng này. Người đọc cảm nhận được đối kháng quyết liệt giữa người với người qua sự bất bình, sự sục sôi quyết chiến của những người đình công và sự không khoan nhượng của những người cản đình công. Để lấy lòng những thủ lĩnh của công nhân, Mac sẵn sàng nói dối để được đỡ đẻ cho Lisa. Giải thích cho hành động nói dối của mình, anh ta nói: “Chúng ta phải tận dụng tất cả những gì có thể kể cả việc giết chết cô ta”. Để kích động công nhân, Mac sử dụng xác của Joy kêu gọi trả thù… Phía bên kia, những chủ đất không ngại ngần sử dụng súng, bom gas, kêu gọi những người chống đình công giết công nhân. Tong câu truyện kể của ông không có sự kiêu ngạo của Satan, không có Chúa toàn năng bị đe dọa, chỉ có con người ở hai phe đối đầu nhau về quyền lợi mà mỗi bên đều cố giành phần thắng bằng sức mạnh bạo lực. Kết thúc tác phẩm cuộc chiến vẫn chưa phân thắng bại. Cảnh về cái chết của Jim Nolan và sự phẫn nộ của những người đình công cuối tác phẩm ám ảnh người đọc. Kết thúc ấy để lại dư vị cay đắng về con người. để lại âm của cuộc chiến tàn khốc chưa hồi kết có thể mở ra nhiều cách hiểu. Nhà văn kể câu chuyện nhỏ giống như một tình huống để người đọc có thể viết tiếp bằng trường liên tưởng. Ý định “muốn sử dụng một cuộc đình công nhỏ trong một thung lũng vườn cây ăn quả như là biểu tượng của cuộc chiến vĩnh cửu, cay đắng của con người với con người” đã hướng nhà văn tới việc lựa chọn, sử dụng nhiều biện pháp tự sự. Đưa các văn bản của người khác vào tác phẩm, Steinbeck mở rộng cấu trúc bên trong cho câu chuyện kể. Trong cuộc đấu bất phân thắng bại không đơn giản là sự tiếp nối tình huống có sẵn trong Kinh thánh và Thiên đường đã mất bằng cảm quan hiện đại. Sử dụng tình huống truyện có sẵn, ông ngầm tranh luận với các văn bản chứa các tình huống đó, liên kết, đối sánh với nó bằng liên tưởng của người đọc, mở rộng các tầng ý nghĩa. Ý nghĩa của cuộc chiến Satan chống lại Chúa trời trong Kinh Thánh được khúc xạ qua tác phẩm của Milton và một lần nữa, qua tác phẩm của Steinbeck. Đó là sự phản chiếu liên tục, ngày càng tăng cảm nhận sâu sắc về con người.
Với Steinbeck, liên văn bản không chỉ là yếu tố tự thân theo nghĩa “mọi văn bản đều là liên văn bản” mà còn là thủ pháp nghệ thuật. Tác phẩm của ông thường có cấu trúc bên ngoài với mạch kể chuyện sáng rõ, song biên độ truyện kể luôn được mở rộng trong sự liên kết, giao thoa với các văn bản khác một cách có chủ ý. Tránh đưa ra một phán xét chủ quan, ông muốn tạo trường liên tưởng cho người đọc, mở ra khả năng tạo nghĩa cho tác phẩm. Nếu xem Trong cuộc đấu bất phân thắng bại là “một thử nghiệm nghệ thuật” như ông nói thì thể nghiệm này của ông đã thành công. Tác phẩm gợi suy tư về sự đáng trọng của con người trong nỗ lực vươn lên thoát khỏi thực tại, gợi suy tư về sự bất lực của con người thực tại. Chính điều này khiến tác phẩm vượt qua giới hạn một tác phẩm chứng minh cho một giai đoạn lịch sử, trở thành tác phẩm viết về hiện sinh của con người. Sự thành công ấy tiếp tục được ông khẳng định trong các tác phẩm Của Chuột và Người, Chùm nho phẫn nộ, những tác phẩm góp phần đưa ông vào vị trí những nhà văn hàng đầu của văn học hiện đại thế giới.
..............................................................................................................................................
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Trần Thiện Đạo (2003), Cửa sổ văn chương thế giới, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội,Tr.66.
(2) Shillinglaw, Susan (2010), John Steinbeck Review and Steinbeck Studies, San José State University, Tr. 193.
(3) Eagleton, T. (1983), Literary Theory: An Introduction. Oxford: Basil Blackwell, Tr. 12.
(4) Đặng Anh Đào (2007), Việt Nam và phương Tây - Tiếp nhận và giao thoa trong văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, Tr.449.
(5) Steinbeck, Elaine and Robert W. (1979), Steinbeck: A Life in Letters, Viking Press, New York, Tr 241.