TS. Cao Thị Hảo

(Bài đã đăng trên Tạp chí Lý luận phê bình Văn học, nghệ thuật, số 22, Tr38 – 42, 2014).

1. Từ một thực tế tiếp nhận văn học

Trong sách Văn học lớp 11, phần Văn học Việt Nam do nhà xuất bản Giáo Dục tái bản năm 2002 có bài Khái quát về văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến cách mạng tháng Tám 1945, bài viết đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản và thành tựu của cả một giai đoạn văn học ở thời điểm chuyển giao từ mô hình trung đại sang hiện đại. Theo các tác giả này, giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến 1920 là bước thứ nhất của quá trình hiện đại hoá văn học, ngoài những sáng tác văn xuôi xuất hiện lẻ tẻ như “những thử nghiệm bước đầu, chất lượng nghệ thuật chưa cao” thì “dòng chính” của văn học “vẫn gắn với tên tuổi của những cây bút phong trào Duy tân, Đông du, Đông Kinh nghĩa thục, tiêu biểu là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Đại…”(1). Người viết đã đứng ở góc độ sự phát triển của văn học miền Bắc để đánh giá nhìn nhận tiến trình phát triển của lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn này. Đây không phải là quan điểm riêng của các tác giả biên soạn chương trình Văn học lớp 11 mà ở một số giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, các tác giả khác cũng đánh giá thành tựu và sự vận động của văn học nước ta giai đoạn giao thời chủ yếu từ góc nhìn văn học miền Bắc với hệ quy chiếu là Thăng Long – Hà Nội. Đây là một quan điểm đúng đắn và có truyền thống trong lịch sử nghiên cứu văn học dân tộc bởi tinh hoa văn hoá thường tập trung ở chốn kinh kỳ nơi khoa cử và bề dầy truyền thống văn hoá ngự trị, chi phối cho nên xét thành tựu của văn học là xét ở đỉnh cao với những kết tinh nghệ thuật tiêu biểu. Tuy nhiên, ở vào giai đoạn giao thời cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đời sống văn học lại có những điểm khác biệt nhất định mà cần căn cứ vào thực tế phát triển của từng vùng, miền để có những nhận định cụ thể hơn. Bởi vì cuối thế kỷ XIX đầu XX trên thị trường báo chí và sách xuất bản ở Sài Gòn – Nam Bộ đời sống văn học đã rất sôi động với sự xuất hiện của thể loại du kí, vè kể sự, diễn ca dưới hình thức văn vần bằng chữ quốc ngữ - dấu hiệu của quá trình hiện đại hoá được khởi lên từ đây.

2. Đặc điểm lịch sử văn hoá hai miền Nam – Bắc có những nét khác biệt

Nhìn vào thực tế văn học chúng ta thấy đời sống văn học ở miền Nam trước 1932 có những nét khác biệt so với miền Bắc. Do nhiều nguyên nhân về lịch sử, văn hoá mà văn học hai miền Nam Bắc đã có những bước tiến khác nhau khi bước vào thời kỳ hiện đại là một vấn đề khó có thể phủ nhận. Sự không tương đồng này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng phát triển văn chương hai miền trong giai đoạn giao thời đồng thời cũng đặt ra cho nhà nghiên cứu nhiệm vụ phải phân tích sự khác biệt của văn học giữa miền Nam và Bắc trong giai đoạn 30 năm đầu thế kỷ để chỉ ra quy luật vận động của văn học Việt Nam nói chung và văn xuôi quốc ngữ nói riêng. Tuy nhiên, chúng ta cũng đều nhận thấy sự khác nhau này chỉ tồn tại trong một thời đoạn nhất định, do những nhân tố lịch sử nào đó chi phối và văn học hai miền sẽ dần đi tới thống nhất ở giai đoạn 1932 – 1945. Một số nhà nghiên cứu đã lưu ý chúng ta cần có một cái nhìn văn hoá lịch sử đối với văn học Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn giao thời, để có thể hình dung một cách tương đối khách quan về quá trình hình thành nền văn hoá và văn học hiện đại của dân tộc.

Trong bài Từ góc độ phát triển không đồng đều của văn hoá dân tộc nhìn ánh sáng của ngôi sao Nguyễn Thông, Trần Đình Hượu đã đề cập đến những hướng đi khác nhau về văn hoá lịch sử giữa miền Nam và Bắc. Ông viết: “Trong lịch sử, đất nước ta sớm thống nhất. Dân ta tuy gồm nhiều dân tộc, đi vào đời sống cộng đồng đất nước sớm muộn rất xa nhau nhưng lại có ý thức về sự thống nhất rất mạnh, mạnh đến mức Nam hay Bắc cũng đều coi chia rẽ là tội ác, là trái đạo lý. Thế nhưng các vùng hình thành chịu nhiều tác động khác nhau, sớm chậm khác nhau về chế độ phong kiến trước đây không thể nào tạo ra được sự thống nhất trọn vẹn. Vùng cực Nam – chỉ nói về lịch sử văn hoá - có nhiều nét phải nhìn khác Bắc và Thuận Quảng” (2). Đây là một gợi ý đáng để chúng ta phải nhìn nhận, xem xét lại thực tế văn học.

Năm 1967, Nguyễn Văn Xuân viết Khi những lưu dân trở lại cũng chỉ ra một cách khá rõ ràng những đặc trưng khác biệt của văn học hai miền Nam Bắc: “Văn chương miền Nam Hà đã gần như có hẳn những phương pháp, những quy luật, một cá tính tách biệt hẳn sự phát triển của văn chương Bắc Hà từ ngả rẽ Nguyễn Hoàng. Ấy là văn chương Đàng Ngoài tuần tự mà rất chắc chắn tách lần làm hai trên con đường phát triển, như hai con tuấn mã song hành: văn chương bác học và bình dân. Sự phát triển ấy trở thành truyền thống rõ ràng qua thế kỷ XVIII, XIX, XX. Loại văn thứ nhất, loại thành văn bao giờ cũng lấy đối tượng trí thức làm căn bản. Ngược lại văn chương miền Nam bao giờ cũng cố gắng bình dân hoá và đối tượng là đại quần chúng lao động. Trên căn bản ấy phương pháp của văn chương miền Bắc nặng về xem, tức là độc giả có thể cầm tác phẩm tự mình đọc thầm để suy tư và cái hay chính nằm trong lối xem và suy tư đó. Văn chương miền Nam nặng về nói và trình diễn, tức độc giả thường chỉ thấy hay trong lối đọc đó để tự mình nghe và để cho kẻ khác cùng nghe với mình và cái hay cũng nằm trong lối nghe để rung cảm” (3). Phải chăng do di sản văn học quá khứ không nặng tính quan phương, trường ốc hơn nữa tính “cổ điển”, “bác học” cũng chưa thấm sâu vào văn học viết miền Nam nên sự hiện đại hoá ở đây đã diễn ra nhanh chóng hơn ở miền Bắc?

Trước hết là sự khác nhau về bề dầy lịch sử hai miền. Nếu miền Bắc có truyền thống hàng nghìn năm văn hoá với trung tâm là Thăng Long thì phía Nam của nước ta là một vùng đất mới được khai phá dưới thời các chúa Nguyễn ở thế kỷ XVII - XVIII. Nội chiến chấm dứt năm 1802 mãi đến năm 1813 mới mở trường thi ở Gia Định, thi Hội phải đến năm 1822 mới mở đại khoa Nhâm Ngọ (và ngay cả ở khoa này cũng không có người nào ở Gia Định, Đồng Nai có tên trong bảng vàng). Khi cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn chấm dứt, nhà Nguyễn đã thiết lập một quốc gia thống nhất về thể chế và chuyên chế về quân sự, ít chăm lo phát triển nho học và khoa cử như ở Bắc Hà. Thành phần lưu dân cũng khá phức tạp mà phần lớn là dân nghèo, ít chữ, xa quê quán đi tìm con đường sống ở phương Nam. Do đặc điểm của quá trình di dân Nam tiến, do tình hình học và thi còn chưa được phát triển trong bối cảnh của vùng đất mới khai phá nên đội ngũ nho sĩ ở đây cũng vì thế mà không đông đảo, không phát triển được. Rõ ràng, từ chúa Nguyễn đến triều Nguyễn, người lưu dân ở vùng đất mới phía Nam ít được học hành tôi luyện trong khoa cử trường ốc như miền Bắc là một thực tế lịch sử không thể không thừa nhận.

Một nét khác biệt nữa mà chúng tôi nghĩ cũng khó có thể bỏ qua khi chú ý tới văn hoá hai miền Nam Bắc. Nếu như nho học ở Bắc Hà phát triển sớm và có nguồn gốc ảnh hưởng từ Trung Quốc mà chủ yếu là trước thời Minh – Thanh lấy phiên bản từ chế độ khoa cử Đường – Tống thì ở Gia Định - Đồng Nai chất Nho ấy đã phai nhạt đi nhiều. Do thông thương với Trung Quốc qua đường biển nên người Minh Hương (Hoa kiều) đến sinh sống ở đây rất đông. Họ đã mang theo văn hoá Minh – Thanh hội nhập với văn hoá Bắc Hà do các chúa Nguyễn mang vào từ Phú Xuân tạo ra sự giao lưu văn hoá vừa mang truyền thống văn hoá Bắc Hà nhưng đã có sự ảnh hưởng của văn hoá Minh – Thanh đương đại. Như vậy, về cơ bản văn hoá nho giáo vẫn ngự trị chi phối vùng đất phía miền Nam (bởi sự hiện diện của triều đình phong kiến nhà Nguyễn vốn vẫn mang kiểu mẫu văn hoá truyền thống này từ ngàn đời nay và coi nó như một công cụ thiết yếu để duy trì sự ổn định của triều đại một cách hiệu quả nhất). Nhưng, yếu tố quyết định hơn vẫn là sự bồi đắp của những Hoa dân sinh sống nơi đây mà vai trò của họ khá quan trọng không chỉ trong đời sống xã hội mà trong cả quan hệ với triều đình nhà Nguyễn. Do vậy, những biểu hiện của văn hoá nho giáo nơi đây đã có nhiều nét dị biệt so với bản gốc của nó ở miền Bắc. Nho giáo miền Nam lấy lý tưởng đạo lý mà hạt nhân cốt lõi là chữ nghĩa làm căn bản. Đây cũng là đặc điểm nổi bật của văn chương miền Nam giai đoạn trước 1932 mà khởi điểm phải tính từ sự xuất hiện của Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, văn thơ của Phan Văn Trị, sau này là tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Phú Đức…

Không chỉ ở giai đoạn giao thời, nhìn vào lịch sử văn học trung đại chúng ta cũng thấy có sự khác biệt trong sự phát triển văn học giữa hai vùng Bắc và Nam Hà. Ở Bắc Hà, trung tâm quyền lực là kinh thành Thăng Long văn hiến, nơi đã từng tồn tại đời sống đô thị phong kiến. Thăng Long cũng là trung tâm văn hoá bao đời nơi hội tụ của các sĩ tử trường ốc – những trí thức tinh hoa của nhà nước phong kiến. Những nho sĩ đài các, phong lưu sản sinh trong môi trường văn hoá này tất yếu tìm kiếm cho mình những món ăn tinh thần phù hợp đó là những bài tình ca duyên dáng, tinh tế, những lối hát xẩm, hát ví đậm chất trữ tình....Đây chính là chất tạo màu cho ngâm khúc, ca trù và đặc biệt là truyện Nôm tài tử giai nhân với lời lẽ trau chuốt ra đời khi bắt gặp “cơn gió lạ” của những tiểu thuyết tài tử giai nhân từ Trung Quốc tác động tới. Vùng đất mới như Gia Định, Phan Thiết trong sự phát triển có nhược điểm là thiếu truyền thống lâu đời nhưng vì là mới nên lại dễ tiếp nhận cái đương đại nhanh chóng, đi vào tương lai dễ dàng hơn. Con người, sản phẩm của những vùng như vậy là những người chất phác thật thà, có thể chưa có cái tinh tế, nhuần nhị do truyền thống rèn giũa trở thành tinh hoa, nhưng vì còn chất phác nên lại hoạt bát, tự nhiên, năng động hơn và dễ tiếp cận với cái mới hơn nên dễ dàng tìm thấy hứng thú qua các loại dân ca, ca xướng, trò diễn, lối hát rong kể chuyện…. Truyện Nôm của Nguyễn Đình Chiểu kế thừa truyền thống văn Nôm đó.

Rõ ràng bước vào giai đoạn giao thời với những tiềm lực lịch sử văn hoá trong quá khứ như vậy, hai miền Nam, Bắc nhất thời sẽ có những bước tiến khác nhau trên con đường hiện đại hoá văn học dân tộc. Nếu văn đàn miền Bắc ở giai đoạn đầu thế kỷ XX đang ngự trị văn thơ cách mạng của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền… thì ở miền Nam các thể văn vần quốc ngữ phản ánh hiện thực đời sống hàng ngày đang làm chủ đời sống văn học. Chúng tôi xin điểm qua hiện tượng văn học này ở Nam Bộ để góp một cái nhìn khách quan hơn cho văn học sử hiện đại nước ta.

3. Văn vần quốc ngữ - một hiện tượng văn học ở Nam kỳ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Cuối thế kỷ XIX trong khi ở miền Bắc văn xuôi chữ Hán, Nôm vẫn tồn tại thì những dấu hiệu của nền văn học hiện đại bằng chữ quốc ngữ đang dần xuất hiện và lan rộng ở Nam kỳ. Cùng với công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nhiều đô thị kiểu mới mọc lên và phát triển mau chóng. Tầng lớp thị dân đông đảo hình thành. Chữ quốc ngữ dễ học, dễ đọc trở thành lợi khí căn bản để họ tiếp xúc với thông tin và tri thức. Kỹ thuật in ấn hiện đại, các nhà in thành lập tại Sài Gòn đã đưa các tác phẩm thơ văn chữ quốc ngữ đến với lớp độc giả mới đương thời. Tại Sài Gòn – Nam kỳ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã  xuất hiện của các thể du kí, vè, diễn ca bằng văn vần.

3.1. Sự xuất hiện phong phú của các thể du kí, vè, diễn ca bằng văn vần quốc ngữ ở Nam Bộ

Trước hết thể du kí xuất hiện khá sớm trên báo chí. Như Tây nhật trình viết năm 1889 của Trương Minh Ký đăng ở Gia Định báo từ 10 tháng 4 năm 1887 hơn một năm mới xong gồm 2000 câu lục bát kể lại cuộc hành trình qua Châu Âu và Bắc Phi của ông. Trung thành với ý định “thấy sao kể vậy” tác giả cho biết nhiều phong tục, nếp sống lạ ở những nơi tác giả ghé qua. Thiên du kí Chư quấc thại hội khoảng 2000 câu song thất lục bát cũng được sáng tác nhân dịp Trương Minh Ký được toàn quyền Richard cho tháp tùng sứ bộ triều đình Huế đi xem các gian hàng đấu xảo quốc tế ở Pháp năm 1889.

Cùng với du kí, thể loại vè cũng xuất hiện. Những bài vè kể chuyện lính nhảy dù máy bay (Vè máy bay tàu bay), chuyện về hai đứa trẻ sinh đôi dính liền nhau (Vè ba lông và Vè hai đứa nhỏ đẻ sinh đôi), vè kể những kẻ bị chết chém (Vè xử tử, Vè chém chết Lê Hườm, Nhị Long)… Tóm lại đó là những thông tin giật gân, mới lạ được viết bằng văn vần. Đặc biệt là sự xuất hiện của những bài vè với dung lượng dầy dặn như những truyện thơ: Thơ Sáu Trọng, Thơ Hai Miên, Thơ Thầy thông chánh… được truyền tụng rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn học của người dân Nam Bộ. Thơ Thầy thông chánh (viết khoảng trước năm 1909) gồm 346 câu lục bát kể một việc có thật xảy ra ở Trà Vinh: thầy thông chánh đã bắn chết tên biện lý người Pháp vì tên này o ép thầy thông đủ đường. Năm 1896, thầy thông chánh làm thông ngôn tại toà án Trà Vinh, bắn chết biện lý Trà Vinh Jaboin, vụ xử án kéo dài 8 năm đến 1904 thầy thông bị xử bắn. Thầy thông bắn biện lý Jaboin không phải vì anh ta đã dan díu với vợ thầy mà là một hành động trong thế tuyệt vọng bị dồn vào chân tường của một thầy thông ngôn Việt Nam chống đối một quan toà Pháp đã dùng thế lực của chế độ thực dân để hiếp bức một nhân viên bản xứ thuộc cấp. Đây là vụ án có thật trong thực tế được viết thành lục bát truyền tụng trong nhân gian. Thơ cậu Hai Miên lại kể về một nhân vật có thật trong đời sống Nam Bộ. Hai Miên là con của một lãnh binh theo Pháp được chính phủ đưa sang Anger học, sau về làm việc cho chính quyền thuộc quốc. Anh ta có một cuộc sống phóng khoáng, thường giúp người nghèo khổ bị ức hiếp và trừng trị bọn cường hào ác bá, làng tổng lộng quyền, du đãng làm càn… Chính những hành động ngang nhiên trừng trị bọn hương chức và du côn hiếp đáp dân vừa bằng uy tín của nhà cầm quyền Pháp, vừa bằng tài võ nghệ đã khiến dân chúng đương thời xưng tụng cậu là “anh hùng”.

Một hình thức văn học nữa cũng khá thịnh hành ở Nam kỳ giai đoạn  này đó là diễn ca theo kiểu “bổn cũ soạn lại”. Trên cơ sở những tác phẩm có sẵn bằng chữ Nôm, Hán, Pháp các tác giả đã “soạn lại” cho phù hợp với tâm lý tiếp nhận của độc giả và chuyển sang chữ quốc ngữ. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, Trương Minh Ký đã dịch truyện ngụ ngôn Laphôngten ra văn vần với nhan đề Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ (1884). Tác phẩm Têlêmặc phiêu lưu kí (1887) cũng được dịch ra thơ lục bát. Lục súc tranh công (1891) được phiên âm từ chữ nôm ra quốc ngữ. Tiếp đó là Huỳnh Tịnh Của, ông đã soạn rất nhiều tác phẩm từ văn học dân gian Việt Nam, văn học cổ điển Trung Quốc sang văn vần quốc ngữ (như: Trần Sanh diễn ca, 1905, Lang Châu toàn truyện, 1905, Bạch viên tôn các truyện, 1906, Chiêu quân cống hồ, 1906, Thoại Khanh Châu Tuấn truyện, 1906…). Ngoài ra còn phải kể đến rất nhiều những cây bút khác như Trương Vĩnh Ký, Đặng Lễ Nghi…cũng đóng góp nhiều cho việc làm mới các tác phẩm bằng việc phiên âm và chuyển dịch.

Từ thực tế trên có thể nhận định, do nhu cầu đọc sách của độc giả thì lớn mà nguồn sáng tác mới chưa nhiều hơn nữa các tác giả lại chưa quen viết văn xuôi, để tốn ít công sức người viết chủ yếu là dịch từ chữ Hán hoặc Nôm ra chữ quốc ngữ dưới hình thức văn vần. Hình thức “bổn cũ soạn lại” này có thể coi là một hiện tượng đặc thù ở giai đoạn giao thời, tiếp biến văn hoá.

Nhìn chung, thể du kí và vè xuất hiện chủ yếu kể những sự việc mới, lạ và có tính thời sự gắn với sinh hoạt đời thường của người dân còn thể diễn ca thì gắn với mục đích giáo dục đạo lý và thoả mãn thú giải trí của người dân. Những mầm mống của nền văn học hiện đại đã le lói khởi sự từ đây.

3.2. Văn vần quốc ngữ là bước đệm đầu tiên của văn xuôi quốc ngữ ở Nam kỳ

Thể loại truyện thơ lục bát kể sự được viết bằng văn vần nhưng lại mang dấu ấn của hình thức truyện: có tình tiết, có cốt truyện khá thịnh hành ở Nam kỳ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Lí giải về điều này có thể căn cứ trên nhiều yếu tố. Trước hết, do thực tế đổ vỡ của đất nước lúc đó khiến nhiều người đã không khỏi ngậm ngùi, nhớ tiếc và họ đã cầm bút ghi chép sự việc để tả lại, kể lại, tường thuật lại và đồng thời nhận xét, phẩm bình về thực tế, thời cuộc.

Bên cạnh đó, chúng ta phải kể tới vai trò của công chúng tiếp nhận. Mang tâm lý đặc trưng của văn hoá vùng đất mới và nhu cầu thưởng thức văn học của mình, đông đảo độc giả nơi đây đã tạo ra một đời sống văn học với những hình thức văn vần cực kỳ sôi động ở Nam kỳ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chính số lượng độc giả có nhu cầu về thông tin muốn đọc để tìm hiểu tình hình thực tế ngày càng gia tăng đã kích thích sự ra đời của những sáng tác mang tính chất thời sự, thông tin, kể sự việc lạ, mới. Thời đó, ở Nam kỳ việc in ấn đã mang tính thương mại, nảy sinh vấn đề kinh doanh chú ý đến thị hiếu của người đọc. Trong bản in truyện thơ Sãi Vãi (bằng chữ quốc ngữ) xuất bản tại Sài Gòn năm 1906, Lương Dũ Thúc khi viết lời tựa đã ghi nhận: “Trong đời nầy tại Nam Kỳ văn chương của thánh đạo ngày một bớt, cũng bởi không thuộc theo thói dụng; còn chữ quốc ngữ thì là thứ chữ dễ cho người học để dùng mà nói chuyện… Nay xem thiên hạ dùng chữ quốc ngữ cũng gần đều; Vậy chúng tôi chẳng phải đua theo người in thơ này tuồng kia mà bán đặng lấy lời” (4). Đặc biệt còn xuất hiện cả hiện tượng in gian, in lậu khiến tác giả phải cảnh báo như trường hợp Quan Âm diễn ca của Huỳnh Tịnh Của, in tại nhà in Xưa nay của Sài Gòn, ngoài bìa chua thêm dòng chữ: “Cuốn gian thì không đóng dấu của chủ bổn, xin chư vị chớ lầm” (5). Rõ ràng một đời sống văn học sôi động với sự lên ngôi của các thể văn vần đã diễn ra ở thành phố thuộc Pháp sớm nhất nước ta này. Nhận định về vấn đề này chúng tôi cũng nhất trí với Bùi Đức Tịnh trong Những bước đầu báo chí, tiểu thuyết và thơ Mới: “Từ thơ đến văn xuôi có một cây cầu giao thời nối liền là văn vần: Thơ - Văn vần - Văn xuôi. Phải từ những năm 20 của thế kỷ này trở đi tình hình mới đảo ngược” (6). Chúng tôi cho rằng văn vần chính là bước đi đầu tiên của văn xuôi quốc ngữ  ở thời kỳ quá độ chuyển từ văn vần theo truyền thống phương Đông sang văn xuôi theo mô hình hiện đại của phương Tây được biểu hiện rõ nét ở Nam kỳ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu XX. Đó là bước đi tất yếu chuẩn bị cơ sở cho sáng tác bằng văn xuôi ra đời trong những năm 20 - 30 của thế kỷ XX. Bởi vì ở thời điểm này văn xuôi xuất hiện rất lẻ tẻ (một số tác phẩm dịch của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và sáng tác duy nhất của Nguyễn Trọng Quản: Truyện thầy Lazarô Phiền) chưa tạo được vị thế trong đời sống văn học cũng như trong tầm tiếp nhận của đông đảo độc giả.

4. Trên đây là những nhận định bước đầu của chúng tôi về sự phát triển của đời sống văn học quốc ngữ Nam kỳ giai đoạn trước 1920 qua những thể loại văn vần bằng quốc ngữ (du kí, vè kể sự, diễn ca). Như vậy, đánh giá quá trình hiện đại hoá văn học ở giai đoạn này không thể không kể tới sự góp mặt của hiện tượng văn học sôi động này. Nó như một bước quá độ tất yếu của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam khi có sự chuyển đổi loại hình sáng tác từ mô hình văn học trung đại vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm văn học Trung Quốc sang mô hình văn học hiện đại ảnh hưởng phương Tây.

Chú thích

(1)   Nhiều tác giả, Văn học 11, phần Văn học Việt Nam, Nxb Giáo Dục, 2002, tr66.

(2)   Trần Đình Hượu, Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Giáo Dục, 1999, tr 126.

(3)   Nguyễn Văn Xuân, Tuyển tập, Nxb Đà Nẵng, 2003, tr 550, 551.

(4)   Lương Dũ Thúc, Truyện thơ Sãi Vãi, Nxb Sài Gòn, 1906.

(5)   Huỳnh Tịnh Của, Quan Âm diễn ca, Nxb Xưa nay (Sài Gòn), 1907.

(6)   Bùi Đức Tịnh, Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và Thơ mới, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1992, tr 132.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

06:33:58 22/03/2015 - Lượt xem: 8205
Tin liên quan