Nguyễn Thị Minh Thu

Miền núi phía Bắc là khu vực định cư lâu đời và đông đúc của nhiều dân tộc thiểu số. Cùng với dân tộc Việt, ngay từ những buổi đầu dựng nước, các dân tộc ít người đã tham gia tích cực vào việc xây dựng các truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Văn học dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam có những đóng góp quan trọng đối với văn học dân gian Việt Nam nói chung trong đó đặc biệt phải kể đến bộ phận truyện kể dân gian - bộ phận đã sớm được sưu tầm và hiện còn lưu giữ một nguồn tác phẩm dày dặn. Đó là bộ phận bao gồm nhiều thể loại có khả năng phản ánh chân thực, đa dạng nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống hiện thực, là nơi tích tụ nhiều tầng lớp lịch sử, văn hóa, bản sắc của các dân tộc thiểu số. Công tác sưu tầm, biên soạn về truyện kể dân gian đã được nhiều tác giả quan tâm từ những năm 70 của thế kỷ XX, những nghiên cứu về bộ phận văn học dân gian đặc sắc này cũng đã được quan tâm ở một số phương diện tuy vậy một cái nhìn khái quát nhằm chỉ ra diện mạo và một vài đặc điểm của truyện kể dân gian các dân tộc khu vực nơi đây vẫn là một việc làm cần thiết có ý nghĩa.

Qua khảo sát trên 20 tổng tập, tuyển tập và tập truyện cổ của các dân tộc thiểu số đã được sưu tầm, biên soạn và xuất bản, chúng tôi thấy truyện kể dân gian của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc còn được lưu giữ phong phú với các thể loại thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn và có mặt ở nhiều dân tộc từ những dân tộc đông dân cư như Tày, Thái, H’mông, Dao...đến những dân tộc ít cư dân hơn như Mảng, Giáy… Trong đó, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích là những thể loại có số lượng truyện kể nhiều hơn cả và đóng góp quan trọng cho văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói chung.

Thần thoại là thể loại xuất hiện sớm nhất và cũng là thể loại gắn bó mật thiết với đời sống tín ngưỡng của các dân tộc. Hiện chúng tôi tập hợp và nghiên cứu trên 51 thần thoại của 10 dân tộc. Nội dung của thể loại này tập trung vào ba nhóm cơ bản sau: Thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên và muôn vật, Thần thoại kể về nguồn gốc loài người và các dân tộc, Thần thoại kể về công cuộc chinh phục tự nhiên và sáng tạo văn hóa. Đây cũng là ba chủ đề quan trọng của thần thoại các dân tộc Việt Nam nói chung. Trong mỗi nhóm nội dung, thần thoại các dân tộc miền núi phía Bắc đều thể hiện những điểm tương đồng và cũng không ít khác biệt so với thần thoại dân tộc Việt và một số dân tộc thiểu số ở các khu vực khác.

Quan niệm về vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên, đồng bào các dân tộc thiểu số cho rằng công kiến tạo thuộc về những cặp vợ chồng thần khổng lồ. Thần thoại Mường kể về ông Thu Tha và bà Thu Thiên trong mo Đẻ đất, đẻ nước. Trong thần thoại H’mông, Chử Lầu- Vua Trời đã gọi ông Chày bà Chày  tạo ra bầu trời và mặt đất… Trời và đất là sự kết hợp của những cặp, do đó, chúng có mối quan hệ khăng khít. Có nghĩa là, con người thời cổ đã lấy cuộc sống của mình, sự sản sinh con người làm khuôn mẫu cho sự sáng tạo trời đất. Họ cũng cho rằng trời đất ban đầu đã chia thành hai khối, đã có khoảng cách, chỉ có điều đó là một khoảng cách rất gần, gần đến nỗi người dưới đất và người trên trời nói chuyện được với nhau. Khoảng cách quá gần đó gây ra những phiền nhiễu, bất tiện. Từ đó, đồng bào các dân tộc đã tưởng tượng ra những nguyên nhân thật thú vị khiến cho trời - đất trở nên xa cách nhau nghĩa là họ cố gắng lý giải về đặc điểm của trời đất giống như sự tồn tại có trong thực tế của chúng theo cách tư duy của riêng mình. Truyện Trời và đất của dân tộc Dao kể: Không chịu nổi, người trần bảo nhau chống lại Ngọc Hoàng. Mỗi khi giã gạo, người trần lại cầm chày đẩy trời cao lên một tý. Trời cứ thế cao dần. Ngọc Hoàng không nghe được truyện của trần gian nữa (1). Trong thần thoại Trời đất và muôn loài của người Thái, trời và đất ban đầu nối liền với nhau bằng dây “chựa khảo cát”. Một bà góa có đứa con trai hay lên trời chơi, bực mình bà cầm chày chặt đứt dây, từ đó không ai lên trời được nữa(2).

Trong nhóm thần thoại kể về nguồn gốc loài người và các dân tộc đáng chú ý là số lượng phong phú các bản kể thuộc type Huyền thoại về lụt mang đầy đủ đặc trưng tương đồng với Huyền thoại lụt của các dân tộc Đông Nam Á với những motif đặc trưng như quả bầu- thuyền, con vật chịu ơn-trả ơn, cặp anh, chị em trai-gái sống sót, cuộc hôn phối bất thường sinh ra những vật bất thường và tái tạo loài người và các dân tộc. Ngoài ra, nhiều dân tộc khu vực này như Tày, Thái, H’mông, Mường còn lưu giữ được những cốt truyện giải thích Người được làm chủ muôn loài qua sự kiện Vua Trời (Ngọc Hoàng) giả chết để thử lòng muôn vật. Type truyện này có thể coi là type truyện riêng biệt trong kho thần thoại của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Ở type truyện này, đồng bào các dân tộc thiểu số đã chỉ ra rằng loài Người hơn loài vật ở suy nghĩ, tình cảm và tư duy. Vẫn chịu ảnh hưởng của quan niệm duy tâm, hoang đường, vẫn là cách suy nghĩ rất hồn nhiên, đơn giản nhưng cách kể ở type truyện này đã có những điểm mới thú vị. Một số sự kiện của đời sống hiện thực đã được lồng ghép vào câu chuyện cổ xưa. Ví như tình tiết Vua Trời giả chết thử lòng muôn vật, muôn loài đi phúng viếng Vua Trời… Điều đặc biệt nữa trong những truyện kể này là sự xuất hiện motif Người giúp rùa và được rùa mách bảo, bày cách cho loài người để có thể vượt qua cuộc thử thách của Vua Trời. Điều đó phản ánh tín ngưỡng thờ vật tổ, quan niệm coi trọng con vật của đồng bào các dân tộc đã xuất hiện từ lâu đời và chi phối mạnh mẽ đến đời sống, suy nghĩ của họ. Sau này, con rùa còn xuất hiện trong thuộc một số thể loại truyện kể khác như truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Điều này cho thấy quá trình kế thừa, tiếp thu và biến đổi trong văn học, văn hóa các dân tộc một cách khá rõ nét.

Thần thoại các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc gắn bó chặt chẽ với đời sống tín ngưỡng, nghi lễ. Có thể nói, tín ngưỡng trước hết là nguồn gốc của thần thoại và những mã chủ yếu của các tín ngưỡng được tái hiện trong thần thoại. Đến lượt mình, thần thoại góp phần lý giải và làm sống động các quan niệm tín ngưỡng của con người thời nguyên thủy. Phần lớn thần thoại các dân tộc được hát kể trong sinh hoạt nghi lễ, tín ngưỡng. Và hầu hết các motif trong thần thoại đều bắt nguồn từ tín ngưỡng nguyên thủy.

Về truyền thuyết, so với thần thoại, số lượng truyện kể khiêm tốn hơn và sự phân bố ở các dân tộc cũng không đồng đều. Qua khảo sát tư liệu, chúng tôi thấy hiện còn lưu truyền 41 truyền thuyết của các dân tộc: Tày, Thái, H’mông, Dao, Mảng, Khơ mú trong đó phong phú hơn cả là truyền thuyết Tày. Truyền thuyết các dân tộc chủ yếu có nội dung kể về các nhân vật anh hùng lịch sử và giải thích tên gọi, sự tồn tại của những địa danh nơi các dân tộc sinh sống.

Nhóm truyền thuyết về nhân vật anh hùng lịch sử là nhóm truyện thể hiện đặc trưng thể loại rõ nét hơn cả. Người Tày tự hào với những truyện kể về anh hùng Nùng Trí Cao, Dương Tự Minh, Thục Phán, anh em Hoàng Đại Huề, nữ tướng nàng Hợi…. Người Thái thì thường kể cho nhau nghe truyện về nữ anh hùng nàng Han và những cuộc chiến tranh tìm đất, giữ đất của các tộc trưởng… Họ là những nhân vật anh hùng lịch sử người dân tộc thiểu số đã có công lớn trong việc dẹp loạn, giúp mang lại sự yên bình cho các bản mường.

Đáng lưu tâm ở nhóm truyền thuyết này là sự xuất hiện những motif của thể loại cổ tích như motif sự xuất thân nghèo khổ, vật thần trợ giúp, thi tài, tái sinh …Nhà nghiên cứu Trần Thị An gọi đó là “sự xâu chuỗi nhiều motif của nhiều thể loại”. Người anh hùng Dương Tự Minh theo truyền thuyết đã được Tiên ban cho một chiếc áo tàng hình và nhờ đó mà thực hiện được ý định cứu giúp dân nghèo và nhất là công cuộc diệt giặc mang lại thanh bình cho đất nước. Trong truyền thuyết về Nùng Trí Cao, thần mã với sức mạnh phi thường đã giúp người anh hùng nối trí cha, nổi lên hùng cứ một phương, lôi cuốn binh sĩ đi mở mang bờ cõi. Ngoài ra người anh hùng còn nhận được sự trợ giúp của các nàng tiên. Tuy nhiên, sự tiếp nhận đã được tác giả dân gian nhào nặn, tái tạo để phù hợp với nội dung và chức năng của thể loại truyền thuyết. Nếu trong cổ tích, vật thần thường xuất hiện với chức năng giúp nhân vật nghèo khổ vượt qua khó khăn, bế tắc và thay đổi cuộc đời cá nhân mình thì trong truyền thuyết, vật thần xuất hiện giúp cho nhân vật tăng thêm ý chí và sức mạnh để lập nên những chiến công phi thường mang lại lợi ích cho cộng đồng, đất nước.

Trong truyền thuyết về nhân vật anh hùng lịch sử của một số dân tộc miền núi phía Bắc cũng xuất hiện hình tượng nữ anh hùng. Đó là nàng Hợi trong truyền thuyết người Tày ở Định Hóa, Thái Nguyên và nàng Han trong truyền thuyết người Thái Tây Bắc. Nguồn gốc xuất thân của họ thường được giới thiệu cụ thể, chân thực và giản dị. Nàng Han là con một gia đình thường dân. Cha Nàng hàng ngày chăm chỉ phát rừng, làm nương, săn thú và đánh con cá. Mẹ Nàng cần cù quay sợi, dệt vải. Cha mẹ chỉ sinh được một mình Nàng nên yêu thương, chiều chuộng hết mực (3). Với các nhân vật nữ anh hùng, motif sinh nở thần kỳ được thay bằng motif sự khác lạ. Họ là gái nhưng tính cách và sở thích không giống những người con gái khác, chỉ thích mặc đồ con trai và múa gậy, đi quyền, giỏi giang võ nghệ. Nàng Han không e thẹn hay rụt rè như những người con gái khác trong bản, trong mường. Nàng thích mặc quần áo của lục trai, thích múa gậy, đi quyền. Những đứa trai trong bản cũng phải phục, phải sợ cái tài (4). Hay hình ảnh nàng Hợi được kể: Nàng Hợi lớn lên ăn ở khác lạ với những người con gái khác trong mường: nàng thích ăn mặc như con trai, học hành thì tinh thông cả văn lẫn võ (5). Đó cũng là dấu hiệu dự báo cuộc đời và sự nghiệp nhiều biến động và nhiều kỳ tích lớn lao của các nữ anh hùng.

Truyền thuyết về nhân vật anh hùng lịch sử một số dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc cũng có kết cấu chuỗi như chuỗi truyện về Nùng Trí Cao, Dương Tự Minh của dân tộc Tày, chuỗi truyện về nàng Han của dân tộc Thái. Chuỗi truyền thuyết này gắn bó chặt chẽ với hệ thống lễ hội hiện vẫn được tổ chức thường xuyên trong đời sống các dân tộc. Gắn kết với các truyền thuyết tiêu biểu về các nhân vật lịch sử người Tày như Nùng Trí Cao, Dương Tự Minh là một loạt các lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ và ghi công các vị anh hùng như lễ hội đền Mẫu (Cao Bằng) thờ A Nồng- mẹ của Nùng Trí Cao, lễ hội đền Kì Sầm (Cao Bằng) thờ Nùng Trí Cao, lễ hội đền Đuổm (Thái Nguyên) thờ Dương Tự Minh. Với đồng bào dân tộc Thái, hiện nay cứ vào ngày rằm tháng hai âm lịch hàng năm, bà con dân tộc Thái lại tụ hội về miếu nàng Han tưng bừng tổ chức lễ hội. Điều này cho thấy sức sống mạnh mẽ của các nhân vật lịch sử trong tâm thức, tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu.

Một đặc điểm nữa dễ thấy là trong truyền thuyết các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, nội dung phản ánh lịch sử cũng thường gắn bó với nội dung giải thích địa danh. Tất cả chúng được thể hiện trong những truyện kể vừa hư vừa thực và mang đậm một niềm tin, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc - chủ nhân của những truyện kể cũng là chủ sở hữu của các địa danh và người chứng kiến ghi nhận các sự kiện lịch sử.

Về thể loại truyện cổ tích, chúng tôi hiện tập hợp được 283 truyện. Trong đó, truyện cổ tích thần kỳ chiếm tỷ lệ lớn nhất với 158 truyện, cổ tích sinh hoạt gồm 76 truyện và 49 truyện cổ tích loài vật. Số lượng thực tế có thể lớn hơn rất nhiều nhưng những truyện đã được sưu tầm, xuất bản ở trên chính là những truyện được lưu truyền phổ biến và lâu dài hơn cả. Tỷ lệ các loại truyện cổ tích này có những tương đồng và khác biệt nhất định với truyện cổ tích các dân tộc thiểu số vùng miền khác. Theo thống kê của tác giả Phạm Tiết Khánh trong luận án tiến sĩ Khảo sát truyện kể dân gian Khơ Me Nam Bộ (qua thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích)(6), trong tổng số 127 truyện và các dị bản cổ tích của dân tộc Khơ me có 64 truyện cổ tích thần kỳ, 35 truyện cổ tích loài vật và 28 truyện cổ tích sinh hoạt. Còn trong chuyên luận Truyện kể dân gian các tộc người Nam Đảo ở Việt Nam (7), tác giả Phan Xuân Viện đã phân loại tổng số 383 truyện cổ tích của năm tộc người Nam Đảo ở Việt Nam với kết quả truyện cổ tích thần kỳ có 264 truyện, truyện cổ tích loài vật có 67 truyện và 52 truyện cổ tích sinh hoạt. Như vậy, đối với các dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, cổ tích loài vật xuất hiện nhiều hơn và có ý nghĩa nhất định với đời sống của các dân tộc. Còn truyện kể của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc lại tập trung phản ánh vấn đề con người và đời sống xã hội của con người đậm nét hơn.

Truyện về người mồ côi  là kiểu truyện cổ tích thần kì có số lượng nhiều hơn cả. Đó là kiểu truyện được hình thành bởi cơ sở xã hội, điều kiện kinh tế đặc trưng. Khi xã hội cộng đồng nguyên thủy tan rã, chế độ gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ được thay thế bởi những gia đình nhỏ, theo chế độ phụ quyền. Theo đó, xã hội xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, tư hữu về tài sản từ đó tạo ra mâu thuẫn, tạo ra sự phân biệt kẻ giàu, người nghèo. Hệ quả là xuất hiện một loạt những số phận bất hạnh trong xã hội như người mồ côi, người em út, người con riêng…trong đó, người mồ côi là nhân vật trung tâm. Đó là hình tượng vừa phản ánh chân thực những số phận trong cuộc đời vừa mang màu sắc lý tưởng, là sản phẩm của trí tưởng tượng và lòng nhân đạo của các tác giả dân gian. Kết cấu chung cho kiểu truyện về người mồ côi bất hạnh đã được định hình dựa trên hai kiểu chủ yếu. Một là kiểu kết cấu ba phần: Mồ côi nghèo khổ, cô đơn →Chuyển biến thần kỳ →có vợ đẹp, chồng đẹp, giàu sang. Hai là kiểu kết cấu năm phần: Mồ côi nghèo khổ, cô đơn →Chuyển biến thần kỳ →có vợ đẹp, chồng đẹp, giàu sang →Bị cướp vợ, cướp của → Đấu tranh và giành lại hạnh phúc. Hai kiểu kết cấu trên đều có kết thúc có hậu.

Qua khảo sát, chúng tôi thấy trong truyện kể các dân tộc miền núi phía Bắc, nhân vật mồ côi nam chiếm đa số.  Nhân vật mồ côi thường gặp xung đột gia đình xoay quanh mối quan hệ anh trai – em trai hay chú - cháu trai. Đây là mối xung đột điển hình nảy sinh trong chế độ gia đình phụ hệ. Người chú và người anh trai có vai trò quan trọng đối với đứa cháu hay đứa em trai khi cha mẹ đẻ của chúng chết sớm. Ngược lại, ở các dân tộc miền Nam và Tây Nguyên, chế độ mẫu hệ duy trì và tồn tại lâu dài hơn nên mối quan hệ cậu - cháu thường nảy sinh xung đột mâu thuẫn mạnh mẽ hơn. Vì thế, trong truyện cổ tích về nhân vật mồ côi của các dân tộc ở vùng này, truyện kể về xung đột cậu- cháu trở nên phổ biến.

Trong nguồn truyện kể các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, có một điều đặc biệt là chúng tôi thấy xuất hiện nhóm truyện kể về nhân vật mồ côi tiêu cực. Các truyện cụ thể là: Tạo Nhá Sáy, Chàng Bả Khó (Thái), Bơ- là Chua phụ vợ, Người chồng bội bạc (H’mông), Tưởng chết mà giàu sang, ác độc (Tày), Vợ cá (Giáy).

Cốt truyện kể về dạng nhân vật mồ côi tiêu cực được kể qua diễn biến các sự kiện cơ bản: Mồ côi nghèo khổ, cô đơn →Chuyển biến thần kỳ →có vợ đẹp (vợ tiên), giàu sang → Mồ côi phụ bạc vợ, trở nên độc ác →Mồ côi trở lại nghèo khổ, cô đơn. Kết thúc của nhóm truyện này độc đáo ở chỗ nhân vật mồ côi tiêu cực lại trở về nghèo khổ, cô đơn dù trước đó những biến đổi thần kỳ cũng xuất hiện như những phần thưởng tất yếu trong cuộc đời nhân vật mồ côi. Đây có thể là những truyện cổ tích xuất hiện muộn khi các tác giả dân gian đã có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống. Có thể khi ấy thực tế trong xã hội bên cạnh những chàng mồ côi đáng thương, đáng khen có cả những anh chàng mồ côi đáng chê không biết quý trọng tình nghĩa. Cũng có thể, các tác giả đã nhận thấy lý tưởng, ước mơ và khả năng đổi đời bằng những phép màu kỳ diệu là không thực tế và không phải là vĩnh cửu. Đó chỉ là cách giải thoát đời sống nhằm cân bằng tâm lý, tinh thần một cách tạm thời. Dù xuất hiện bởi căn nguyên nào, nhóm truyện này cũng là những bài học giáo dục đạo đức được phản ánh lồng trong những tình tiết thần kỳ, hư ảo.

            Ngoài ra, các kiểu truyện về người em út, người con riêng, người đội lốt vật cũng có một số lượng truyện phong phú. Về cơ bản, kết cấu và hệ thống motif chính trong các kiểu truyện này của đồng bào thiểu số miền núi phía Bắc có nhiều điểm tương đồng với truyện kể của dân tộc Việt và nhiều dân tộc thiểu số ở các khu vực khác. Truyện về người em út nhấn mạnh đến xung đột gay gắt giữa anh cả, chị cả với em út về phương diện vật chất và đạo đức. Truyện về người con riêng đặc biệt quan tâm đến số phận bất hạnh của những đứa con côi trong quan hệ vời dì ghẻ và những người chị, em cùng cha khác mẹ. Truyện về người độ lốt vật thì đi sâu vào cuộc đời của những con người kém may mắn mang một thân hình kì dị xấu xí. Các kiểu truyện đều được kết cấu gồm các phần đặc trưng: nhân vật xuất thân thấp hèn và bị đối xử bất công, thử thách và vượt qua thử thách, phần thưởng xứng đáng. Chúng tôi xin phân tích sâu vào một số nhóm truyện và motif riêng biệt trong các kiểu truyện này.

Trước hết, trong kiểu truyện về nhân vật người em của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, chúng tôi thấy xuất hiện nhóm truyện kể về nhân vật em gái út trong xung đột với các chị gái. Các truyện tiêu biểu như: Rắn thần, Sự tích người cung trăng (H’mông), Bảy chị em gái (Nùng), Chồng xấu chồng đẹp, Mùi Pham Mùi Lái (Dao), Chàng Rắn (Thái) Bảy chị em (Giáy), Ba chị em gái và người chồng thuồng luồng (Tày)…Ở đó, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi các chị em gái đến tuổi kết hôn và nhân vật xuất hiện để thử thách các chị em gái là một con vật (thường là con Rắn). Duy nhất cô em gái út đồng ý kết hôn và sau đó trở nên sung sướng, con vật trút bỏ lốt thành chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Hoặc cô em út hiền lành thường chấp nhận lấy chàng mồ côi nghèo khổ nhưng chăm chỉ nên có cuộc sống hạnh phúc. Các cô chị ghen ghét tìm cách hãm hại em, thế chỗ em nhưng cuối cùng chuốc phải sự trừng trị thích đáng. Người em gái qua những lần hóa thân trở lại làm người và có cuộc sống hạnh phúc bên chồng con.

Thực ra, xung đột chị em gái cũng đã xuất hiện trong truyện cổ tích dân tộc Việt và một số dân tộc thiểu số ở các vùng khác như Chăm, Khơ Me…nhưng ở đó, xung đột này chỉ có vai trò là xung đột phụ trong kiểu truyện “người đội lốt vật” (người xấu xí mà có tài). Và do đó, nhân vật em út là nữ chưa đóng vai trò là nhân vật chính hay nhân vật trung tâm. Còn với các dân tộc ở miền núi phía Bắc, xung đột này đã phát triển thành xung đột chính với rất nhiều tình tiết trong diễn biến. Người em út là nữ trở thành nhân vật trung tâm của các cốt truyện. Nếu trong những cốt truyện kể về nhân vật em út là nam, nhân vật người em trai thường chịu sự chèn ép, ganh tị về mặt của cải vật chất thì trong các truyện kể này, người em út bị ganh tị chủ yếu về mặt đời sống tinh thần vì người chồng “đội lột vật” xấu xí trở thành những chàng trai khôi ngô tuấn tú. Về mặt cốt truyện, nhóm truyện này sử dụng kết hợp và linh hoạt các motif của kiểu truyện người đội lốt vật và kiểu truyện người con riêng với những motif tiêu biểu như: thử thách và vượt qua thử thách, kết hôn, bị hãm hại và liên tục biến hình, bắt chước không thành công.

Về truyện cổ tích sinh hoạt, qua khảo sát, chúng tôi thấy nổi lên nhóm truyện kể về nhân vật thông minh. Các nhân vật chính trong nhóm truyện này được các tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến trí thông minh và coi trí thông minh là phương tiện quan trọng để đấu tranh chống lại các thế lực gian ác trong xã hội, mang lại hạnh phúc cho nhân vật và giành lại công bằng cho những con người lương thiện. Nhân vật thông minh trong truyện cổ tích khu vực này có thể chia về bốn loại: chàng mồ côi (nghèo khổ) thông minh, em bé thông minh, người chồng thông minh và chàng rể thông minh.

Mồ côi vốn là loại nhân vật điển hình được quan tâm và miêu tả trong nhiều kiểu truyện của cổ tích thần kỳ. Ở đó, mồ côi xuất hiện với một số phận bất hạnh, nghèo khổ và phải nhờ đến những phép màu kỳ diệu thì cuộc đời họ mới được an ủi và trở nên hạnh phúc. Đến đây, mối quan tâm của đồng bào các dân tộc vẫn còn dành phần lớn cho những nhân vật mồ côi ấy nhưng cách nhìn, cách kể đã có nhiều biến đổi. Không còn là những mồ côi bất hạnh, bế tắc, trông chờ vào lực lượng thần kỳ mà đã là những nhân vật mồ côi giàu trí thông minh, sự khôn ngoan và chút láu lỉnh, hài hước. Cốt truyện về chàng mồ côi thông minh thường xoay quanh hai nội dung: mồ côi thông minh vượt qua được thử thách của những thế lực có địa vị trong xã hội như Vua, nhà giàu và đạt được kết quả là lấy được con gái Vua, cô gái xinh đẹp hoặc mồ côi dùng trí thông minh “chơi đểu” những tên giàu có của. Motif tiêu biểu trong nhóm truyện là: thử tài, kén rể và mẹo lừa. Các truyện thuộc nhóm này đã xuất hiện yếu tố hài hước, có thể coi là bước quá độ, là cơ sở nảy sinh một thể loại mới là truyện cười. Số lượng bản kể thuộc nhóm truyện này rất phong phú, thuộc về nhiều dân tộc như: Chàng rể bảy (H’mông), Mồ côi xử kiện, Không bao giờ biết giận, Khóc cùng một lúc, Người nghèo lấy được con gái vua (Nùng), Cái ống thiêng, Chàng mồ côi thông minh, Chàng trai thông minh, Cày ruộng xá tiếp xá, cưỡi ngựa móng tiếp móng (Tày), Quả mận đổi con trâu, Tạo nộc nọi (Tạo chim con) (Thái), Mưu khôn lấy được vợ (Dao)…

Loại nhân vật thông minh thứ hai xuất hiện trong truyện kể các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc là nhân vật em bé thông minh. Những truyện tiêu biểu như: Hai ông trạng nhỏ (Tày), Chú bé thông minh (Dao), Án nha đếch nọi (Quan huyện trẻ con- Thái). Đây là những nhân vật được xây dựng rất đặc biệt. Chúng có hình dáng của những đứa trẻ nhưng các tác giả đã gán cho chúng trí tuệ của người lớn. Truyện có nhiều điểm tương đồng với truyện Em bé thông minh của người Việt nhưng khác ở tình tiết kết thúc. Em bé thông minh trong truyện kể của người Việt giành thắng lợi hoàn toàn còn những em bé trong truyện người Tày, người Dao có kết là những cái chết: em bé chết, Vua (Vua Trời) cũng chết.

Loại nhân vật thông minh thứ ba được kể đến trong truyện kể các dân tộc nơi đây là những người chồng thông minh. Nhân vật này thường được đặt trong tình huống thử thách là có những người vợ có tính xấu như thói trăng hoa hoặc phải thử lòng hai vợ để biết vợ nào tốt. Người chồng thông minh đã khôn ngoan tìm ra những phương cách để dạy cho người vợ những bài học, giúp cho họ nhận ra sai lầm hoặc để nhận ra đâu là người vợ tốt thực sự trong hai người vợ. Các truyện như Pò hú chín chân, Anh hay chữ thua cuộc (Giáy), Vợ cả vợ lẽ, Chồng thử vợ (Mường), Người chồng thông minh, Quan tài nặng bao nhiêu, đổi bấy nhiêu vàng bạc (Tày) là những câu chuyện đề cao trí thông minh của người chồng đồng thời phản ánh thái độ phê phán những người vợ có thói xấu và chỉ ra những bài học quý giá đối với mỗi người.

Nhóm truyện kể về người con rể thông minh tất yếu được đặt trong mối quan hệ gia đình tế nhị: con rể - bố mẹ vợ. Nội dung nhóm truyện này thường xoay quanh việc người con rể bị bố mẹ vợ lợi dụng bóc lột sức lao động dẫn đến các chàng rể phải dùng trí tuệ sắc sảo của mình để đấu tranh chống lại thói lợi dụng con rể và tục ở rể ấy. Những truyện tiêu biểu như: Bố vợ, con rể (Tày), Chàng rể nghèo (Pu Péo), Con rể và bố vợ (Thái)…

            Ngoài ra, truyện cổ tích sinh hoạt các dân tộc khu vực này cũng xuất hiện các nhóm truyện về nhân vật hiếu nghĩa, nhân vật tiêu cực. Đó là những truyện kể có kết cấu linh hoạt xoay quanh những mối quan hệ đời thường giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ với chồng…qua đó, các tác giả dân gian muốn gửi gắm những bài học đạo đức về truyền thống ứng xử trong cuộc sống.

Có thể khẳng định rằng, truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc có số lượng phong phú, bao gồm đầy đủ các thể loại như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười và truyện ngụ ngôn, trong đó, thần thoại và truyện cổ tích chiếm số lượng nhiều hơn những thể loại còn lại. Các dân tộc thiểu số tuy thuộc nhiều ngữ hệ khác nhau nhưng do điều kiện sinh sống khá gần gũi nên nguồn truyện kể các dân tộc cũng có khá nhiều điểm tương đồng tạo nên những mẫu số chung biểu hiện trong nhiều kiểu truyện kể. Chúng ta có thể hiểu được quan niệm chung của đồng bào các dân tộc qua những thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc các dân tộc, qua những truyền thuyết được kể nhằm giải thích tên gọi và sự hình thành của các địa danh, qua nhiều kiểu truyện cổ tích kể về những số phận trong xã hội như  người mồ côi, người con riêng, người em út, người xấu xí đội lốt vật… Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc có những tương đồng cơ bản với truyện kể dân gian dân tộc Việt và các dân tộc thiểu số ở các vùng miền khác. Sự tương đồng thể hiện trên nhiều phương diện như cơ cấu thể loại, đặc trưng nội dung và hình thức của các thể loại, các nhóm truyện và type truyện tiêu biểu trong mỗi thể loại, thậm chí là hệ thống motif chính trong các type truyện. Bên cạnh đó, nhân dân các dân tộc nơi đây cũng có những sáng tạo riêng nhất định thể hiện do ảnh hưởng bởi đời sống tín ngưỡng, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào mình.

CHÚ THÍCH

(1). Viện Văn học- Tổ Văn học dân gian (1999), Truyện cổ các dân tộc Việt Nam, Tập I, Nxb Đà Nẵng, tr 161.

(2). Nhiều tác giả (1958), Truyện cổ tích miền núi, Nxb Văn hóa, Cục xuất bản- Bộ văn hóa, Hà Nội, tr 43.

 (3).(4). Nguyễn Thị Mai Quyên (2010), Truyện kể địa danh của người Thái ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

(5). Ma Đình Thu sưu tầm và biên soạn (1998), Nàng Hợi, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr 5.

(6). Phạm Tiết Khánh (2007), Khảo sát truyện kể dân gian Khơ Me Nam Bộ (qua thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích), Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

(7). Phan Xuân Viện (2007), Truyện kể dân gian các tộc người Nam Đảo ở Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr 28.

 

09:42:22 10/03/2015 - Lượt xem: 15027
Tin liên quan