TS. Nguyễn Thị Nhung*

Có những người, khi mới làm quen, ta thấy họ bình thường như bao người khác. Nhưng rồi, càng tiếp xúc, ta càng thấy ở họ có cái gì như tỏa sáng, tỏa sáng và tỏa sáng. Ấy là trường hợp của tôi khi được tiếp xúc với những người bạn Nhật Bản . 

Vâng, trong những chuyến công tác sang xứ sở của hoa anh đào, con người ở đó: những giáo sư, tiến sỹ, sinh viên, những người bán hàng, người phục vụ… đã xuất hiện bên tôi thật giản dị, khiêm nhường. Họ ăn mặc chẳng khác chúng tôi. Họ nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng và thường xuyên có những cử chỉ cúi gập người rất đỗi từ tốn. Là người chủ của một cường quốc, nhưng chưa bao giờ họ khiến chúng tôi có chút cảm giác tự ti. Khi đưa chúng tôi đi đâu, họ thường giúp xách hành lý. Nếu bỗng thấy khuất bóng một ai, họ liền đứng lại lia mắt tìm, và khi nhìn thấy những kẻ lề mề là chúng tôi, họ luôn nở một nụ cười thật tươi. Chẳng bao giờ họ quên đem lại cho chúng tôi niềm vui, sự thoải mái, thích thú khi ở trên đất nước xinh đẹp của họ.

Nhưng điều đáng nói hơn cả là những con người tưởng chừng rất bình dị ấy đã dẫn dắt cảm xúc của chúng tôi đi từ sự quí mến tới niềm cảm phục sâu xa.

Vâng, chúng tôi đã thực sự cảm phục trước lối sống nghiêm túc, phẩm chất trung thực, ý thức chủ động, năng lực sáng tạo và những quan điểm đúng đắn về cái đẹp, lòng tốt, lòng tự trọng của những con người Nhật Bản.

Lối sống nghiêm túc khiến họ luôn tôn trọng các kế hoạch đã định, tôn trọng chất lượng công việc và tôn trọng kỷ luật. Những người chúng tôi từng gặp luôn thực hiện đúng mọi giờ giấc, mọi dự định, mọi lời đã hứa. Nếu kế hoạch liên quan tới chúng tôi có gì thay đổi, họ đều thống nhất lại trước khi tiến hành. Dường như hầu hết thời gian và tâm huyết, họ đều dành cho công việc mà xã hội giao cho mình. Người nữ giáo sư chủ nhiệm một đề tài khoa học lớn mà nhờ nó chúng tôi có dịp xuất hiện trên đất nước này vốn có dáng hình mỏng mảnh, giọng nói thỏ thẻ. Vậy mà lúc bàn công việc chuyên môn, khi trình bày các vấn đề khoa học, bà bỗng có giọng nói hùng hồn, cử chỉ dứt khoát, mạnh mẽ đến đáng kinh ngạc. Một thầy giáo dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài thì dành đến 80% thời gian trong mỗi ngày của mình cho việc soạn giáo trình, sáng tạo các cách thức, các đồ dùng dạy học. Một thầy giáo khác xác định xa vợ con

 trong năm năm, đến công tác ở một nhà trường tiên tiến để được học tập, nâng cao chất lượng chuyên môn.v.v…Khi tiến hành công việc gì, họ ít để cho những vấn đề khác xen lẫn hay lấn át làm giảm chất lượng công việc, lãng phí thời gian, tiền của. Những cuộc hội thảo, hội nghị, dù lớn, dù nhỏ, đều không hề cần đến người phục vụ, không có chăng đèn, kết hoa, giương băng giôn, khẩu hiệu, ăn uống hay kết hợp du lịch giải trí như ta. Đến giờ làm việc, mỗi người đặt chai nước uống tự chuẩn bị lên bàn, rồi bắt đầu lắng nghe, suy nghĩ, và thảo luận rất sôi nổi. Giờ nghỉ giữa buổi chỉ là một hình thức khác của các những cuộc trao đổi đang đà say sưa ấy mà thôi. Những người được cử đi học tập chuyên môn, nghiệp vụ ở các nơi đều tiến hành chuyến đi nghiêm túc đến độ khi về ai cũng có thể viết bài, đăng ảnh về những điều mắt thấy tai nghe cùng những nghĩ suy của mình.

Không chỉ các nhà khoa học, mỗi người dân trên đất nước này đều có trách nhiệm rất cao với công việc của mình. Việc thưởng thức bao bữa ăn ở các nhà ăn, nhà hàng mà không một lần bị trục trặc về sức khỏe khiến chúng tôi hiểu những người nông dân ở đây đã có lương tâm, trách nhiệm như thế nào với sản phẩm mà họ làm ra. Được đi trên những con đường, vào những công sở, trường học, cửa hàng,… mát bóng cây, rực rỡ hoa tươi, tuyệt không bụi bặm, rác rưởi, ruồi muỗi; được ngắm bầu trời xanh trong, mây trắng nhởn nhơ, ngắm những con suối, mặt biển trong ngời như pha lê, chúng tôi thực sự cảm phục ý thức giữ gìn môi trường nghiêm túc, tự giác của mỗi người dân, mỗi nhà máy, xí nghiệp trên đất nước này.

Tính nghiêm túc cũng dẫn mỗi người đến với ý thức tôn trọng các qui định chung. Trong một trường học, tôi đã giật mình tưởng đang ở giữa một cơ sở quân đội khi thấy một đoàn trẻ nhỏ bê các khay cơm đi thành một hàng dọc rất thẳng trên hành lang các lớp học. Tới một bến tàu điện ngầm hằng ngày có ba vạn người qua lại, chúng tôi vẫn tuyệt không thấy sự ồn ào, nhốn nháo. Người lên bao giờ cũng nhường cho người xuống đi trước, dẫu có hai người, họ vẫn xếp hàng ngay ngắn. Đường phố tịnh không bóng dáng công an, mà trật tự giao thông luôn răm rắp, hoa trồng ngăn giữa các làn đường cứ hồn nhiên khoe sắc.

Khi sự nghiêm túc đến mức tự giác thì nó chính là tính trung thực, thật thà. Đức tính đó trong mỗi người dân là lý do để ở đây có nhiều hiện tượng khác bên ta. Các tủ bán nước tự động nho nhỏ đứng một mình khắp các tuyến phố. Vào siêu thị không cần cất túi đựng đồ, chọn hàng xong còn nhìn mãi mới ra chỗ có người của cửa hàng để tới thanh toán. Các trường học, cửa hàng, khách sạn đều để rất nhiều chiếc ô ngoài hè để bất cứ ai có thể mượn khi gặp mưa, nắng…

Nhưng những ngày ở Nhật Bản, chúng tôi không chỉ được yên tâm, hạnh phúc hưởng một cuộc sống chất lượng cao, một môi trường sống an toàn, mà còn luôn được ngạc nhiên, thích thú trước khả năng chủ động, sáng tạo của những con người nơi đây.

Trong các trường học, học trò dù bé đến đâu cũng luôn xứng đáng là những ông chủ, bà chủ. Lớp học là nơi các em có thể dán lên tường những tờ giấy ghi mục tiêu phấn đấu của lớp, của từng nhóm, cùng những tờ giấy ghi cảm xúc, suy nghĩ của mỗi người về cuộc sống. Giờ học là lúc các em được nắm bắt tri thức một các chủ động, hào hứng. Khi được giới thiệu chúng tôi là người Việt Nam, một cậu bé bỗng chạy lên chiếc bàn ở góc lớp ôm quả địa cầu về chỗ mình, nhiều bé khác xúm lại cùng tìm rất nhanh rồi hồ hởi reo vang khi phát hiện ra dáng hình chữ S và cái tên Việt Nam. Một cô giáo đang ghi bảng, bỗng một học trò bàn cuối nói to câu gì đó, cô bèn xóa đi, viết lại. Tôi hỏi người phiên dịch, thì ra, em đó nói: chữ bé quá, cô viết to lên. Hết giờ, không cần có lời của thầy cô, các em tự xúm lại bên chúng tôi xin chụp ảnh cùng; rồi bắt tay chào thật trang trọng, nồng nhiệt. Đến giờ vệ sinh trường lớp, ai cũng tham gia, sự khác nhau có lẽ chỉ ở độ lớn của những cái chổi trong tay mỗi cô, cậu bé. Tới giờ  ăn, những người chủ tí hon ấy liền tự vào vai đầu bếp để chia cơm cho nhau. Còn giờ nghỉ, chúng ùa vào thư viện đọc sách, vào phòng thiết bị lấy đồ để chơi, hay làm thêm những thứ mình thích.

Trò đã vậy, thầy cô càng tích cực, chủ động, sáng tạo hơn. Không biết hằng ngày các thầy cô dạy trò những gì, nhưng khi chúng tôi đến, các cô cậu bé đều có thể reo lên: xin chào Việt Nam!. Chẳng giờ học nào giống giờ học nào, mỗi tiết học là một hệ thống các bước lên lớp riêng thật linh hoạt, hấp dẫn. Khi thì các em đứng dậy đọc đồng thanh bài học thuộc lòng, những ai chưa nhớ dần ngồi xuống để những trò cuối cùng còn lại là những người đã nhớ được cả bài; họ được lớp vỗ tay hoan nghênh ròn rã. Khi thì học sinh kê lại bàn ghế để thảo luận rồi đại diện nhóm lên bảng trình bày hay biểu diễn thật ngộ nghĩnh những cách hiểu của nhóm mình. Khi thì cả lớp cùng chạy ùa lên bục giảng, rồi ngồi thụp xuống để cô giáo cho xem mấy trang sách…Mỗi thầy cô giáo không chỉ sáng tạo các hoạt động trên lớp, còn sáng tạo trong cách soạn giáo trình, làm đồ dùng dạy học, trang trí lớp học. Có thể nói, khung cảnh và con người trong mỗi lớp học là một thiết kế riêng độc đáo, ấm cúng và sinh động của mỗi thầy cô.

Những con người nghiêm túc, chủ động, sáng tạo đó đồng thời cũng là những con người có các quan niệm đúng đắn về cái đẹp, lòng tốt, lòng tự trọng.

Ai cũng biết, người xứ hoa anh đào rất đề cao cái đẹp, họ vốn nổi tiếng với nghệ thuật cắm hoa, làm cây cảnh. Và đến đây, nhiều cái đẹp đã thực sự  chinh phục chúng tôi. Trong số những cái làm chúng tôi từng phải ngẩn ngơ ấy có vẻ đẹp tinh tế đến bất ngờ của việc trang trí nhà cửa bằng những dây hoa rau muống mềm mại, việc trang trí bàn ăn bằng những lọ hoa bóng nước, mười giờ tí xíu, bằng những chai nước nhỏ có một con cá vàng tung tăng, một cái bèo thướt tha với bộ rễ dài. Và cái đẹp trong ẩm thực cũng vậy. Để giữ gìn sức khỏe và vẻ đẹp, người Nhật chủ yếu ăn rau, đậu. Vậy mà mỗi bữa cơm trên đảo quốc xinh đẹp này, đối với chúng tôi, đều là một bữa tiệc của đôi mắt. Chúng tôi đã luôn được trầm trồ trước những màu sắc, hình khối hấp dẫn, luôn ngạc nhiên thích thú về sự phong phú của các món ăn, và bị thu hút mạnh mẽ trước vẻ tao nhã, độc đáo, sang trọng của các loại đồ đựng. Khi kết thúc mọi bữa ăn, trên mâm của chúng tôi chẳng còn thừa đến một cọng rau nhỏ. Nói đến đây tôi lại liên tưởng tới Việt Nam ta: hoa đẹp nhất thiết phải là hoa định giá được bằng tiền, mâm cơm đẹp mắt phải là mâm tú ụ những thịt, cá!

            Quan niệm về lòng tốt cũng vậy. Để bộc lộ tình cảm tốt đẹp của mình với ai đó, người Việt Nam chúng ta thường đề cao việc thết đãi hay tặng một món quà đáng giá. Người Nhật lại chọn con đường thông qua những cái gần gũi với cuộc sống tinh thần hơn, và đỡ gây lãng phí hơn. Đó là một thái độ chân thành trên nét mặt, những tình cảm trong sáng nơi ánh mắt, những lời nói hài hước đem lại niềm vui, những sự quan tâm chu đáo, những hành động thực hiện lời đã hứa, một cuốn sách, bài thơ hay bức tranh nhỏ…

            Dân tộc nào cũng đề cao lòng tự trọng. Nhưng những người Nhật bên tôi chưa bao giờ ngần ngại giơ bát ra cùng nét mặt tươi rạng rỡ khi được mời ăn nốt một món nào đó mà chúng tôi không thể dùng hết. Thứ mà người Việt Nam coi là có thể ảnh hưởng tới lòng tự trọng đã không hề khiến họ phải băn khoăn mà ngược lại, họ coi như đã làm được việc tốt vì như vậy là thực hiện tiết kiệm, mà tiết kiệm là một biểu hiện của đạo đức. “Điều quan trọng nhất đối với mọi người là luôn coi trọng sự trong sạch về thể xác và tâm hồn”, các tác giả cuốn Lịch sử văn minh thế giới đã khẳng định về người dân Nhật như vậy. Và thực tế chúng tôi quan sát được là mỗi người nơi đây đều thường buộc mình phải giữ thân thể cho sạch sẽ, quần áo không nhàu bẩn; giữ tâm hồn cho thanh thản, không tà tâm, ác ý.

            Các quan niệm về cái đẹp, lòng tốt, lòng tự trọng không nhất thiết gắn với sự tốn kém ấy giúp họ vừa chọn được những con đường ngắn nhất để đi tới đúng bản chất của mỗi vấn đề, vừa có thể thực hành tiết kiệm cho cá nhân và đất nước.

            Chưa tới Nhật Bản, tôi thường tự hỏi: Một mảnh đất khô cằn, nhiều động đất, không khoáng sản sao có thể phồn vinh tới mức cả thế giới phải kính nể như vậy? Và giờ đây, tôi đã tìm được câu trả lời: Để được như hôm nay, Nhật Bản đã phải tạo cho mình cái còn quí hơn tất cả những gì đất nước ấy còn thiếu hụt. Cái được tạo ra đó chính là con người - những con người tỏa rạng như vàng mười, nhưng còn sinh động và tuyệt vời hơn thế. Việt Nam mà giáo dục, rèn luyện được người dân như vậy, cùng tài nguyên phong phú, đất đai mỡ màu, lẽ nào chúng ta chẳng sớm cất cánh rồng bay?

 

 

 

09:25:37 12/03/2015 - Lượt xem: 2200
Tin liên quan