Hoàng Thị Thập
Tóm tắt: Steinbeck là một nhà văn nổi tiếng thế kỷ XX. Ông được đánh giá thành công nhất ở thể loại tiểu thuyết. Bài viết này, chúng tôi trình bày việc tìm hiểu một khía cạnh: phép so sánh như một phương tiện ngôn ngữ đặc trưng của Steinbeck trong nghệ thuật tổ chức lời văn – một trong những phương diện quan trọng nhất của nghệ thuật tự sự. Phép so sánh đóng vai trò quan trọng, giúp lời văn của Steinbeck có tính tạo hình cao, gợi nên những rung cảm thẩm mĩ mạnh mẽ. Phương tiện này được Steinbeck vận dụng hết sức linh hoạt ở mọi phương diện, từ nội dung cho đến cấu trúc. Nó không chỉ là phương tiện mà còn là nội dung góp phần tạo nên giá trị cho tác phẩm của Steinbeck.
Từ khóa: Steinbeck, phép so sánh, tiểu thuyết, tự sự, cấu trúc
Sáng tác ở nhiều thể loại, nhưng nhà văn Mỹ John Steinbeck (1902 -1968, Nobel năm 1962) được đánh giá thành công nhất ở thể loại tiểu thuyết. Với ba tác phẩm viết trong khoảng 1936 -1939, Steinbeck đã trở thành “một trong những người làm nên Thời đại tiểu thuyết Mỹ”[1]. Từ đó đến nay, tiểu thuyết của ông vẫn không ngừng thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. Năm 2012, nhà nghiên cứu Susan Shillinglaw đặt câu hỏi như phản đề để khẳng định tính chất động và phức điệu của tiểu thuyết Steinbeck: “Tại sao chúng ta vẫn nghiên cứu tiểu thuyết Steinbeck, những tác phẩm hầu như chỉ nói về các sự kiện của một thời?”[2]. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của tiểu thuyết Steinbeck nằm ở khả năng mở ra vô tận những ý nghĩa để tạo nên các giá trị thẩm mĩ mới.
Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi đi vào một khía cạnh: phép so sánh như một phương tiện ngôn ngữ đặc trưng của Steinbeck trong nghệ thuật tổ chức lời văn – một trong những phương diện quan trọng của nghệ thuật tự sự. Từ đó, nhằm làm sáng tỏ sự độc đáo trong cách cảm nhận, phản ánh hiện thực của nhà văn, đồng thời chỉ ra những đóng góp về mặt thể loại của tiểu thuyết Steinbeck.
So sánh là phương thức diễn đạt tu từ khi đem sự vật này đối chiếu với sự vật khác có những nét tương đồng để gợi ra những hình ảnh cụ thể, gợi mở cảm xúc thẩm mĩ trong nhận thức của người đọc. Phương tiện ngôn ngữ này được sử dụng phổ biến trong lời văn nghệ thuật của tác phẩm tự sự. Tuy nhiên, ở mỗi nhà văn, tùy vào cảm nhận và cách phản ánh hiện thực của mình, dung lượng của phương tiện này trong tác phẩm của họ khác nhau. Với 121 lần/269 trang của Trong cuộc đấu bất phân thắng bại, 48 lần/103 trang của Của Chuột và Người, 216 lần/567 trang của Chùm nho phẫn nộ, so sánh chiếm vị trí quan trọng giúp lời văn của Steinbeck đạt tính tạo hình cao, gợi nên những rung cảm thẩm mĩ mạnh mẽ. Biện pháp so sánh được Steinbeck vận dụng hết sức linh hoạt ở mọi phương diện, từ nội dung cho đến cấu trúc của nó.
Sử dụng so sánh, nhà văn nhằm tô đậm và làm phát triển chiều kích điều mình muốn diễn tả. Để đạt được mục đích, người sử dụng so sánh phải tìm ra mối quan hệ ngữ nghĩa giữa cái được so sánh (A) và cái so sánh (B): trừu tượng - cụ thể, cụ thể - cụ thể, cụ thể - trừu tượng, trừu tượng - trừu tượng. Steinbeck không hạn chế trong việc sử dụng các mối quan hệ ngữ nghĩa, nhưng đậm nhất vẫn là cấu trúc so sánh đầy đủ quan hệ giữa cái cụ thể và cái cụ thể, kiểu: “Ông ta rên rỉ như một con chó” (He’d whine like a dog)[5] hay “Động cơ thở hổn hển, nhịp nhàng, như một con vật khổng lồ, ốm yếu” (The engine panted rhythmically, like a great, tired animal)[3]. Mối quan hệ này được nhà văn mở rộng phong phú về nội dung, linh hoạt, uyển chuyển về cấu trúc, mang đến thú vị bất ngờ.
Ông có thể so sánh thiên nhiên với thiên nhiên: “Cao nguyên lớn nhấp nhô như một làn sóng ngầm đáy biển”[3], “Cơn gió lay động các chòm cây như một đợt sóng”, “Gió rung, lá đổ xuống như một dòng thác xoay tròn”[4], “Mặt trời như một quá táo đỏ”[3]…
Thiên nhiên với đồ vật, con vật: “Những ngọn núi như bị băm xẻ, sừng sững vươn lên từ chân trời như hàm răng thú dữ”, “Những cây bông sừng sững nhô lên như những bộ xương cháy đen”[4], “Những hàng cây lượn trong thung lũng như những con rắn”[3]…
Thiên nhiên với con người: “Núi đá trông xa như những tên cướp dữ dằn”, “Mặt trời ghé mắt qua đám mây hệt như một đứa trẻ”, “Mây từng lớp nặng nề như người thiếu ngủ”[3]…
Đồ vật với đồ vật: “Lửa trong bếp ngả sang sắc đỏ như vang”, “Con đường láng xi măng lấp lánh dưới mặt trời như một cái gương[5]…
Đồ vật với thiên nhiên: “Các lều nhỏ xám, nhô lên như các hòn đảo giữa hồ”, “những chiếc xe nằm im lìm như những lùm cây khô ven đường”[5]…
Đồ vật với con vật: “Xe ca ì ạch trên đường quốc lộ 66 như những con vật tội nghiệp, bị thương khập khiễng, hổn hển”, “cái mũ có lưỡi trai nhọn hoắt như mỏ chim”, “Đoàn xe như những con rệp”[5] …
Người lại, người được so sánh với thiên nhiên: “Những người di tản, tràn vào California như dòng nước lũ”, “Họ từ các núi cao tràn xuống như cơn lũ”[5] …
Người với đồ vật: “Casy quay đầu trên cái cổ cao như ống khói”, “Hai cẳng chân bà giống như hai cây gậy gồ ghề những mấu”[5], “Mắt bà lạnh như băng”, “Bà đi lại lặng lẽ như cái máy”[3]…
Người với con vật: “Một thằng bé xanh xao, gầy gò bò tới như một con chồn hương”, “Bọn trẻ con bò trên nền nhà như những con rắn”[5], “Già Dan cười phô ra bốn cái răng dài như răng chuột túi”[3], “Nó bò dần lên, lén lút như một con gấu”[4]…
Trong các nội dung so sánh trên, chiếm phần lớn và tác động mạnh vào tâm trí độc giả là các so sánh người với con vật. Tỉ lệ của kiểu so sánh này trong Trong cuộc đấu bất phân thắng bại là 82/121 lần, Của Chuột và Người là 30/48, Chùm nho phẫn nộ là 127/216 lần. Hầu như các nhân vật của Steinbeck đều được so sánh với các con vật ít nhất một lần. Nhiều nhất là nhân vật Jim Nolan trong Trong cuộc đấu bất phân thắng bại được so sánh 11 lần. Nhân vật đám đông cũng thường xuyên được ví von với con vật: “hàng người kéo dài từ từ khép lại xung quanh xác chết, giống như đàn cừu quanh máng nước”[5], “Những người di cư lăng xăng như những con kiến tìm kiếm việc làm, thức ăn”[5]… Đặc biệt, tất cả các thuộc tính của con người, từ ngoại hình, hành động, diễn biến tâm trạng đến tính cách đều được Steinbeck nhìn trong sự đối sánh với hình ảnh động vật. Chẳng hạn, ngoại hình của Casy: “bốn chiếc răng chìa ra như hàm răng ngựa”, Rosa Of Sharn: “to như con bò”[5], London: “đôi mắt sâu, đỏ và dữ tợn như mắt của con đười ươi”[3]…
Hành động của Lennie: “hai chân lê như con gấu”[4], Tom: “liếm môi hai lần như con chó”, Ruthie: “bò ra khỏi giường như con cua bò ra khỏi hang”[5], cha Jim: “đánh nhau với họ như con mèo với một lũ chó vây quanh”, Jim: “theo Mac như một con chó con”[3]…
Tâm trạng của Bố Joad: “cuồng như con ngựa nhốt trong tàu”, Tom: “hồi hộp như con mèo”, Rosa Of Sharn: “cuồng như con vịt hoang”[5], Mac: “cáu kỉnh như con chó có bọ trong tai”[4]…
Tính cách của ông nội: “như một con sói quỷ quyệt”, Noah: “lười biếng như con lợn”, Wilfiel và Ruthie: “hoang dã như những con thỏ”[5], Jim: “nhát như con chó con”, Joy: “nóng nảy như sói đồng”[4]…
Không chỉ mở rộng về nội dung, trong so sánh người với con vật, Steinbeck còn rất táo bạo khi đặt con người bên cạnh những hình ảnh động vật vốn ít thuộc tính chung, gây bất ngờ. Ví dụ: “Tom gặm ăn như con thú”[5], “người cô ta đổ phịch xuống như một con cá”[4]… Mỗi lần so sánh như vậy, không những các thuộc tính mới mẻ trong nhân vật được bộc lộ mà còn mở ra ý nghĩa sâu sắc cho hình tượng. Các so sánh người với cá trong tác phẩm Của Chuột và Người là những ví dụ điển hình. Tác phẩm này có hai lần so sánh người với cá. Đó là khi nhà văn miêu tả Curley bị Lennie bóp nát bàn tay và vợ Curley bị Lennie vô tình làm gãy cổ. Steinbeck so sánh Curley: “đổ phịch xuống như một con cá” (flopping like a fish) và vợ Curley: “người cô ta đổ phịch xuống như một con cá” (her body flopped like a fish). Cá là loài không có thuộc tính nào gần gũi với con người. Chỉ sống được trong môi trường nước, chúng trở nên thảm hại vô cùng khi ở trên cạn. So sánh người với cá, nhà văn đã gợi nên sự yếu đuối, bất lực của con người trong hai cảnh huống này. Curley là người luôn dùng sức mạnh, quyền lực để ức hiếp, thống trị người yếu hơn mình nhưng khi ở trong tay Lennie – kẻ mạnh hơn anh ta, người đàn ông ngạo mạn đó bỗng chốc trở nên nhỏ bé, bất lực. So sánh này không chỉ làm cho Curley có vẻ kém hơn Lennie mà còn làm cho anh ta có vẻ kém cỏi hơn bất kỳ người đàn ông nào. Cái chết thê thảm của vợ Curley cũng được diễn tả tương tự. Ví hai nhân vật luôn ỷ vào sức mạnh, quyền lực, gục xuống “như một con cá” trong tay một kẻ mạnh hơn mình, Steinbeck gợi nhiều hướng suy ngẫm.
Mật độ dày đặc cùng sự táo bạo trong cách ví người với động vật cho thấy: so sánh với Steinbeck không chỉ là phương tiện ngôn ngữ mà còn là một phương thức để cảm nhận, phản ánh thế giới con người. Steinbeck từng nói: “Thời của chúng ta, ở nhiều phương diện chúng ta không bằng động vật”. “Thời của chúng ta” mà nhà văn nói tới là thời hiện đại, thời chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, hiểm họa phát xít góp phần làm cho con người bi thảm hơn bao giờ hết. Không phải vô cớ mà từ khắp nơi, hàng loạt tiếng nói đã cất lên tố cáo cái thực tại đáng nguyền rủa và cảnh báo một tương lai ảm đạm sẽ xuất hiện trên cái nền đổ nát ấy như trong Bi kịch Mỹ (T. Draiser), Babbitt (S. Lewis), Gatsby vĩ đại (S. Fitzgerald) hay trong các tác phẩm của F. Kafka … Từ góc nhìn của mình, Steinbeck thêm một tiếng nói về thân phận bi đát của con người hiện đại.
Nội dung so sánh trong tiểu thuyết Steinbeck phong phú, liên tưởng rộng nhưng tựu trung, có thể thấy ông có xu hướng lấy chuẩn mực so sánh là cái thông tục, hàng ngày. Ngoài những hình ảnh động vật mang vẻ thô thiển, trong so sánh của ông rất nhiều hình ảnh trần trụi, đời thường. Ví dụ: “Sự giận dữ lúc nào cũng lơ lửng trong nhà như làn khói”, “Mặt người đàn ông như mảnh giẻ nhàu nhĩ”[4], “Đôi bàn tay nằm trong vạt áo như đôi nhân ngãi mệt mỏi”, “Khuôn mặt bà xám ngoét, như hóa đá”, “Lửa trong lò chuyển màu đỏ như vang”, “Môi trên như cái màn gió che lấy hàm răng”, “Họ không khác gì những con chim đập cánh trong kho thóc”, “Người ta phải đi như con bọ hung giữa các luống xà lách, phải cong lưng kéo các bao tải dài và quỳ gối mà lê lết như người chịu tội giữa các luống bông”[5]… Những hình ảnh có vẻ tùy tiện, thô nhám này góp phần quan trọng làm nên đặc trưng ngôn ngữ Steinbeck. Kết hợp cùng với những từ ngữ sinh hoạt chưa được trau chuốt, chúng không những đem lại cho cái được mô tả vẻ sinh động, cụ thể mà còn gợi mở tầng nghĩa mới. Ví dụ, mô tả không khí trong gia đình Jim Nolan, nhà văn so sánh: “Sự giận dữ lúc nào cũng lơ lửng trong nhà như làn khói”. “Sự giận dữ” là danh từ chỉ trạng thái tinh thần, được so sánh với hình ảnh cụ thể có thể nhìn thấy bằng thị giác “làn khói”. Bằng so sánh này, Steinbeck không chỉ diễn tả sinh động một khái niệm khá trừu tượng mà còn tạo cho tác phẩm có tính gợi hình, biểu cảm cao. Sự giận dữ thường trực, ám ảnh, nặng nề như khói luẩn quẩn trong nhà gợi liên tưởng đến một không gian đặc quánh sự giận dữ, đồng thời gợi tâm trạng, tình thế của nhân vật.
Mặt khác, trong phạm vi ngôn ngữ nghệ thuật, với lối so sánh như vậy Steinbeck đã đem đến cho những cái thông tục hàng ngày những giá trị mới. So sánh trong văn chương truyền thống vốn chuộng những từ ngữ hoa mĩ, hình ảnh rực rỡ. Thay vì những từ ngữ, hình ảnh như vậy, so sánh của Steinbeck lại ngổn ngang từ ngữ, hình ảnh trần trụi, thô ráp. Qua việc sử dụng các từ ngữ, hình ảnh “mảnh giẻ nhàu nhĩ”, “con bọ hung”, “con chó”, “con sói đồng”, “con đười ươi”, “bộ xương”, “con cá”, “máu đông đặc”… có thể thấy ông đã “phàm tục hóa” ngôn ngữ, đem cái đời thường vào văn chương. Sử dụng nhiều so sánh kiểu như vậy thể hiện phần nào quan niệm thẩm mĩ của Steinbeck. Những sự vật, hiện tượng vốn dĩ được xem là tầm thường, trong cảm nhận của ông, ngang bằng với những sự vật cao quý và ngược lại. Vì vậy, các từ ngữ, hình ảnh đời thường được ông đặt bình đẳng với ngôn từ chau chuốt, mĩ lệ một cách tự nhiên.
Một điểm khác dễ nhận thấy, Steinbeck rất linh hoạt, biến hóa trong việc tạo dựng cấu trúc so sánh. Phần lớn so sánh của ông đều đủ bốn yếu tố: cái cần so sánh (A), cơ sở so sánh, từ so sánh, cái dùng làm chuẩn so sánh (B) như: “Đám đàn ông chạy như lũ thỏ” (Guys ran like rabbits)[3]. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, cấu trúc quen thuộc này bị phá vỡ. Thêm nữa, ngoài việc đảo trật tự các yếu tố, ông còn giản lược chúng hoặc làm ngược lại, mở rộng cấu trúc bằng nhiều so sánh chồng chéo nhau.
Cấu trúc so sánh đầy đủ trong văn Steinbeck thường là những câu rất ngắn. Ví dụ: “Joad gặm ăn như một con thú” (Joad eat scowling like an animal), “Họ sống như những con lợn” (They’re live like pigs), “Chúng hoang dã như những con thỏ” (They are wild as rabbits) [5] ... Những so sánh ngắn gọn, rõ ràng như vậy vừa diễn tả sinh động đối tượng phản ánh đồng thời lại tiết chế vừa độ cảm xúc. Câu văn thiên về miêu tả khách quan hơn là những phân tích chủ quan. Chúng góp phần tạo cho ngôn từ kể chuyện của ông giọng điệu trung tính không quá lạnh lùng.
Với những so sánh giản lược, nhà văn thường loại đi hai yếu tố đầu, còn lại hai yếu tố sau: từ so sánh và cái so sánh. Ví dụ: “Giống như con ma cũ vật vờ trong nghĩa địa” (Like a damn ol’ graveyard ghos’), “Giống như đàn kiến suốt đời tìm kiếm việc làm, thức ăn và trên hết là ruộng đất” (Like ants scurrying for work, for food, and most of all for land)[5], “Giống như bầy lợn quanh cái máng” (Like a bunch of hogs), “Như một con vật khổng lồ ”(Like a big animal)[3]... So sánh bắt đầu với những từ: Giống như… Như…Dường như… (as, like, seem) là những câu đặc biệt giống như những mệnh đề. Đặt trong mạch văn của ông, chúng là những quãng ngắt, điểm dừng bất chợt nhấn mạnh mạch cảm xúc vốn không nhiều. Nó góp phần tạo nhịp điệu lạ trong văn phong Steinbeck.
Steinbeck cũng tạo bất ngờ với những câu so sánh mở rộng, ngược với so sánh giản lược. Đây là kiểu cấu trúc đầy đủ nhưng được tăng thêm các vế so sánh. Chẳng hạn, miêu tả những chiếc xe hơi của đoàn người di cư: “Vào lúc bình minh, chúng đi gấp về hướng tây giống như đàn rệp và khi bóng đêm như chụp lấy chúng, chúng bu lại giống như những con rệp gần nơi trú ẩn và có nước” (In the daylight they scuttled like bugs to the westward; and as the dark caught them, they clustered like bugs near to shelter and to water)[5]…
Đôi khi so sánh được sử dụng liên tục tạo thành một chuỗi các cụm từ, câu tác động mạnh vào tâm trí người đọc. Chẳng hạn: “Họ từ trên núi cao tràn xuống như những cơn lũ, bụng rỗng và đứng ngồi không yên, lăng xăng như những con kiến. Giống như đàn kiến suốt đời tìm kiếm thức ăn và trên hết là ruộng đất. Trên đường cao tốc đoàn người di chuyển như đàn kiến tìm kiếm thức ăn, việc làm”[5]. So sánh chồng chéo lên nhau trong một mặt bằng nhỏ hẹp như dồn đống lại các đơn vị ngôn ngữ như vậy tô đậm thêm hình ảnh được so sánh, khiến cho hình tượng trở nên sâu sắc, ám ảnh. Hình ảnh đoàn người di cư trong một nỗ lực tìm kiếm thức ăn, việc làm đươc ví với loài côn trùng nhỏ bé trở đi trở lại không chỉ thể hiện cảm xúc mà gợi ý nghĩa sâu xa về thân phận con người. Con người hiện lên trong so sánh vừa đáng trọng ở sự nỗ lực vươn lên vừa đáng thương ở sự bất lực trước thực tại.
Việc sử dụng trùng điệp nhiều vế so sánh tạo hiệu ứng tăng cấp cho sắc thái tu từ. Chính vì vậy, dù so sánh mở rộng xuất hiện ít hơn kiểu đầy đủ ngắn gọn và kiểu giản lược nhưng mỗi khi xuất hiện, nó tạo ra hiệu ứng khác thường. Trong khi các so sánh ngắn, giản lược như những quãng ngắt, thì những câu so sánh mở rộng giống như đoạn ngân dài của những mạch cảm xúc tạo nên sự đối âm trong ngôn ngữ trần thuật của ông. Ví dụ trong một đoạn ở chương năm của Chùm nho phẫn nộ, sau tám câu ngắn miêu tả cảnh cánh đồng của nông dân bị tàn phá tan hoang, nhà văn chốt lại câu cuối : “Những chiếc máy cày kéo tới trên các đường cái, đi sâu vào các cánh đồng, trông hệt những loài bò sát to lớn, cử động như những loài côn trùng, cùng với sức mạnh khôn tả của loại côn trùng”[5]. Câu văn không chỉ nhấn mạnh về nội dung: làm nổi bật sự lạnh lùng, vô cảm của máy móc công nghiệp, mà còn còn đạt tới một hiệu quả nghệ thuật khác. So sánh chồng lớp sau các câu ngắn làm nên giai điệu đẹp cho đoạn văn, để lại dư âm khó phai.
Sử dụng linh hoạt phép so sánh có thể xem là một trong những thành công trong nhiều thể nghiệm của Steinbeck. Nó không chỉ là phương tiện mà còn là nội dung góp phần làm cho tiểu thuyết của Steinbeck vượt qua giới hạn của những tác phẩm chứng minh cho một giai đoạn lịch sử, đạt tới giá trị của tác phẩm viết về lịch sử hiện sinh của con người./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Thiện Đạo (2003), Cửa sổ văn chương thế giới, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. Tr.57
[2] Susan Shillinglaw (1012), John Steinbeck, review and Studies, San José State University. Tr. 116.
[3] John Steinbeck (2002), In Dubious Battle, Penguin Group (USA) Inc. Tr.185-44-153- 66-79-40-243-16-74- 251-116.
[4] John Steinbeck (2007), Of Mice and Men, Penguin Group (USA) Inc. Tr.7-12; 42-49-99.
[5] John Steinbeck (2006), The Grapes of Wrath, Penguin Group (USA) Inc. Tr. 26-43-194-245-66-214-73-452-34-268-23-50-451-21-11-312-501-43-94-17-52.