PGS.TS  Đào Thủy Nguyên

Nếu không bị bạo bệnh cướp đi sinh mạng, thì năm nay, cố nhà văn Vi Hồng vào tuổi 80. Ông sinh năm 1936, mất năm 1997. Từ biệt cõi đời giữa những trang văn bỏ dở, giữa lúc tài năng đang độ chín, Vi Hồng đã để lại bao tình cảm tiếc thương cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc. Ở ông, lặng lẽ một tinh thần hi sinh thầm lặng, một sự dấn thân quyết liệt và rạng ngời một nhân cách cao đẹp. Tất cả kết tinh trong một con người nhà giáo – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian – nhà văn tâm huyết, tài năng và giàu bản lĩnh Vi Hồng. Với Vi Hồng, viết văn là để sống, sống - với cả  nghĩa đen và nghĩa bóng. Viết văn, ông được thỏa sức vẫy vùng trong thế giới nghệ thuật của riêng mình, được trải lòng mình vào trang viết để bộc bạch tình yêu thương tha thiết với con người và cuộc đời; đồng thời, viết văn cũng là cơ hội để ông mượn ngòi bút mà lên án, tố cáo, vạch trần chân tướng của cái xấu, cái ác…thực hiện sứ mệnh của người bảo vệ đối với đồng bào mình, dân tộc mình như chính Vi Hồng từng tâm sự: “Các trang viết của tôi là những lời tâm tình cùng các dân tộc miền núi, trước hết với người Tày rằng: Hãy yêu thương và biết yêu thương những cái đẹp, nhất là những con người đẹp, cao cả; đồng thời đem hết sức mình ra diệt trừ cái ác, kẻ ác, trừ khử những kẻ phản bội trắng trợn, nguyền rủa những kẻ “béc kha cải”(đại nịnh hót), khinh bỉ lũ yếu hèn….”(1). Nhưng viết văn, với Vi Hồng còn là hành động “cấy cày”, “gieo hạt”, tìm lối thoát cho cuộc sống nghèo túng, khó khăn để nuôi sống vợ con và nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương của chính mình. Phải chăng vì tất cả các lẽ đó mà Vi Hồng đã lao động ngày đêm miệt mài “như một cái cuốc” để cho ra đời một số lượng trang viết khổng lồ với hơn chục nghìn trang in thuộc đủ các thể loại cả sáng tác, nghiên cứu phê bình và sưu tầm. Nhưng vấn đề không chỉ là ở số trang, cái quan trọng là ở chất lượng của những trang văn mà Vi Hồng để laị cho đời được khẳng định bởi tình yêu của bạn đọc, bởi các giải thưởng lớn nhỏ mà ông được trao tặng và sức sống của ngòi bút Vi Hồng.

Vi Hồng thuộc thế hệ nhà văn đầu tiên của nền văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Ông bắt đầu làm thơ (phong slư) từ năm 13 tuổi và sau đó còn sáng tác kịch. Nhưng phải đến cuối những năm năm mươi của thế kỷ XX - khi đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - bén duyên với thể loại truyện ngắn, sáng tác của ông mới được nhiều người đọc chú ý. Những truyện ngắn đầu tay tuy vẫn còn đôi chút thô mộc nhưng đã mang vẻ đẹp của những truyện ngắn hiện đại ở chất liệu thực tế của văn hóa miền núi và bản sắc riêng trong ngôn ngữ, cách kể chuyện…Với thể loại truyện ngắn, ngay mùa đầu, Vi Hồng đã nhận được những giải thưởng quý giá. Đó là Giải Nhì – Giải thưởng của Tổng hội sinh viên Việt Nam năm 1960 cho truyện ngắn Ngôi sao đỏ trên đỉnh núi Phja Hoàng, Giải Nhì báo Người giáo viên nhân dân năm 1962 cho truyện ngắn Cây su su nọong Ỷ và Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Việt Bắc năm 1963 cho truyện ngắn Nước suối tiên đào.

Từ năm 1980, Vi Hồng chuyển sang viết tiểu thuyết. Có lẽ chỉ tiểu thuyết với dung lượng lớn của nó mới đủ chuyển tải những hiểu biết phong phú và những cảm xúc chất chứa dạt dào trong trái tim giaù nhiệt huyết của nhà văn Vi Hồng. Trong thời kì manh nha tìm đường của tiểu thuyết dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Vi Hồng là một cái tên không lẫn với bất cứ ai. 15 cuốn tiểu thuyết của ông ra đời trong khoảng thời gian gần hai mươi năm (từ 1980 đến 1997) đã vắt kiệt tâm sức của nhà văn và ông đã trở thành “Quán quân” của nền VHDTTS Việt Nam hiện đại ở thể loại tiểu thuyết với số lượng tác phẩm nhiều nhất mà cho đến nay chưa có nhà văn DTTS nào vượt qua được. Có lẽ chính bởi những hỉ, nộ, ái, ố trong cuộc sống đầy éo le, trắc trở của cõi người mà Vi Hồng đã trải qua trong khoảng thời gian sáu mươi năm có lẻ đi ngang qua cõi trần đã giúp cho những trang văn của ông chạm đến được trái tim người  đọc. Có những tác phẩm ông viết bằng những trải nghiệm đến tận cùng của đời sống cá nhân, tạo cho người đọc  niềm cảm thông và cảm thương rưng rưng bởi những bất hạnh và gian nan mà nhân vật – hay nhà văn - phải nếm trải …như tiểu thuyết Tháng năm biết nói hay Đường về với Mẹ Chữ. Trái lại, phần lớn tác phẩm của Vi Hồng được viết bởi những tưởng tượng, hư cấu. Những năm cuối đời, bị hành hạ bởi căn bệnh tâm phế mãn nên Vi Hồng không có điều kiện thâm nhập thực tế. Trong nhiều tác phẩm của ông, chất liệu cuộc sống chỉ là yếu tố nền cảnh để từ đó nhà văn sáng tạo nên tác phẩm nhờ trí tưởng tượng bay bổng và sự am hiểu văn hóa, văn học dân gian, con người và cuộc sống của dân tộc mình.

Nhà phê bình Lâm Tiến đã rất đúng khi nhận xét: “Theo tôi, cách viết của Vi Hồng vừa hiện thực vừa lãng mạn vừa truyền thống vừa hiện đại. Nhưng thường là cái lãng mạn lấn át cái hiện thực, cái dân gian lấn át cái bác học và cái truyền thống lấn át cái hiện đại”(2). Trong các tiểu thuyết Lòng dạ đàn bà, Dòng sông nước mắt, Ái tình và kẻ hành khất, Mùa hoa bioóc loỏng, Chồng thật vợ giả, Đi tìm giàu sang, Phụ tình…nhiều yếu tố dân gian xuất hiện bên cạnh yếu tố hiện thực làm cho câu chuyện trở nên thực thực, hư hư vừa mang màu sắc dân gian vừa mang màu sắc hiện đại. Ngay cả Người trong ống - cuốn tiểu thuyết lấy đề tài ở môi trường trí thức, nơi Vi Hồng từng nhiều năm gắn bó, nhờ vậy chất hiện thực khá đậm đặc, nhà văn đã chắt lọc và đi sâu phản ánh những vấn đề nóng hổi của đời sống xã hội đương thời để từ đó tạo nên một tác phẩm văn chương gây “sốt” với bao người đọc …thế mà, vẫn có không ít chi tiết ngẫu nhiên đầy tính chất sắp đặt như trong cổ tích. Yếu tố dân gian còn thể hiện đậm nét trong tiểu thuyết Vi Hồng qua các kiểu nhân vật phân tuyến đối lập, qua các mô típ truyện dân gian gài lồng trong tác phẩm và qua lối kết thúc có hậu với niềm tin dân gian. Thế nhưng, tiểu thuyết của Vi Hồng vẫn đến và ở lại được trong lòng bạn đọc hôm nay. Giá trị của văn chương Vi Hồng trước hết chính là ở tư tưởng nhân văn được nhà văn “gieo trồng” trong tác phẩm. Đó là niềm yêu mến thiết tha với vẻ đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc, là nỗi niềm đau đáu xót xa cho số phận bất hạnh của con người miền núi, là khát vọng đấu tranh cho quyền sống của con người và niềm tin vào con người, vào khả năng chiến thắng của cái thiện trong cuộc đời. Đọc Vi Hồng, ta sẽ thấy một miền núi đầy khó khăn thử thách, nghèo nàn lạc hậu với những xung đột khốc liệt không dễ bề giải quyết; nhưng cũng sẽ thấy một miền núi Việt Bắc lãng mạn và giàu chất thơ. Chất thơ ở thiên nhiên, chất thơ ở con người và cuộc sống, ở niềm lạc quan luôn vượt lên trên thực tại, dù đó là những thực tại “khắc nghiệt như đá”. Và, không chỉ nặng lòng với truyền thống, Vi Hồng còn rất mẫn cảm và giàu bản lĩnh khi tiếp cận cái mới. Trong những tiểu thuyết của nhà văn ra đời thời kì đầu đổi mới, có thể thấy, dù nghiêng nhiều về dân gian nhưng tiểu thuyết của Vi Hồng vẫn có những tìm tòi thể nghiệm mới mẻ, góp phần vào sự chuyển động chung của tư duy văn học Việt Nam thời kì này. Ấy là, bước đầu văn chương của Vi Hồng đã thể hiện cái nhìn con người không đơn giản, một chiều mà phức tạp và lưỡng diện; là cái nhìn về cuộc đời đa sự, về cuộc đấu tranh đầy gian nan giữa cái thiện và cái ác, để lấn lên một bước cái thiện cần sự thông minh, dũng cảm và cả một lòng nhân. Ấy là, cốt truyện gấp khúc với thời gian đảo lộn và sự xuất hiện của nhiều yếu tố ngoài cốt truyện tạo nên sức cuốn hút riêng; là thứ ngôn ngữ văn xuôi viết bằng tiếng Việt khá nhuần nhụy nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa Tày… Những thành công của Vi Hồng ở thể loại tiểu thuyết đã được ghi nhận bằng những giải thưởng có giá trị. Đó là Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 1993 cho tiểu thuyết Dòng sông nước mắt, Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 1994 cho tiểu thuyết Phụ tình.

Ngoài những tác phẩm viết cho người lớn, Vi Hồng còn ghi dấu những tình cảm đặc biệt của mình trong những trang viết dành cho lứa tuổi măng non. Phải chăng chính những cay cực thuở ấu thơ mà Vi Hồng phải trải qua là cội nguồn tình yêu thương của nhà văn với các em lứa tuổi nụ, tuổi hoa. Tình yêu ấy đọng lại ở hình ảnh những em nhỏ miền núi - nạn nhân của đói nghèo và lạc hậu, chịu muôn vàn những vất vả nhọc nhằn đắng cay trên hành trình đời sống nhưng không bao giờ ngã lòng mà luôn vươn lên tự chủ và dũng cảm; ở những bài học làm người giản dị mà sâu sắc; ở cái tâm thiện và lành của nhà văn luôn mong mỏi cho sự bình yên và ấm no của các em nhỏ miền núi. Với những trang viết nồng ấm tình cảm, thiết tha những khát vọng nhân văn và đặc biệt là thấm đẫm phong vị dân gian Tày, ở mảng văn học thiếu nhi, Vi Hồng lại là một cái tên được nhiều người biết đến với nhiều giải thưởng cao: Giải Ba cuộc thi truyện ngắn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cho truyện ngắn Cọn nước eng Nhàn năm 1971; Giải C cuộc vận động viết về thiếu nhi dân tộc và miền núi do báo Thiếu niên tiền phong và Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức (1994 - 1995)  và Giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng (1996 - 1997).

Vi Hồng là con đẻ đích thực của dân tộc Tày nơi núi rừng Việt Bắc. Ông mang trong mình sự hiểu biết sâu sắc, thấu đáo và một tình yêu không bao giờ vơi cạn với tất cả những gì thuộc về văn hóa dân tộc Tày (cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần) từ nề nếp sinh hoạt đời thường đến phong tục tập quán, lễ hội dân gian. Ông đưa vào tác phẩm của mình những tri thức về các lễ hội truyền thống, văn hóa  ẩm thực dân tộc, những tích cổ, những bài dân ca…vừa để tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm vừa nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân gian của dân tộc. Nhiều người trìu mến gọi Vi Hồng là “Raxungamzatốp của Việt Nam” như một cách định vị tên tuổi của ông giữa lòng dân tộc Tày vùng Việt Bắc quê hương ông. “Bầu sữa dân gian quê mẹ” đã nuôi dưỡng tâm hồn nhà văn và đến lượt mình, người con dân tộc Tày Vi Hồng lại chăm chút bảo tồn để vốn di sản văn hóa dân tộc ngày càng phát triển. Bên cạnh sáng tác, Vi Hồng còn tích cực và nhiệt thành sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu vốn văn hóa dân tộc qua một loạt bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí trung ương và địa phương, đặc biệt là các công trình lớn như: Sli lượn – Dân ca trữ tình Tày Nùng, Thì thầm dân ca nghi lễ, Khảm hải. Có thể thấy, Vi Hồng đã tôn vinh văn hóa Tày và rồi chính ông cũng đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Tày vùng Việt Bắc. Giải Ba của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 1995 về cuốn then Khảm hải, Giải Ba của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 1996 cho cuốn tiểu luận, sưu tầm, biên soạn về dân ca nghi lễ Tày Nùng Thì thầm dân ca nghi lễ (cũng công trình này đến năm 2002 lại được trao giải C – Giải thưởng văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam). ..là sự khẳng định những đóng góp không nhỏ của Vi Hồng trong tư cách một nhà nghiên cứu, phê bình văn hóa dân gian dân tộc.

Với tất cả những gì đã cống hiến cho nền văn hóa, văn học dân tộc, năm 2012, nhà văn Vi Hồng đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Văn chương Vi Hồng chưa hẳn đã là toàn bích. Để đánh giá một cách khách quan, đầy đủ và toàn diện về những thành công và cả giới hạn của Vi Hồng cần có nhiều công trình chuyên sâu nghiên cứu và bàn luận. Những trước tác mà Vi Hồng để lại đã trở thành nguồn đề tài hấp dẫn đối với giới nghiên cứu phê bình văn chương. Khoa Ngữ văn –Trường Đại học Sư phạm Thái nguyên đã tổ chức hai hội thảo khoa học về nhà văn Vi Hồng, đã có những đề tài cấp Bộ, có vài chục luận văn thạc sĩ và khóa luận tốt nghiệp, vài chục bài nghiên cứu phê bình …chọn sáng tác của ông làm đối tượng nghiên cứu. Tên tuổi của ông đã trở thành niềm tự hào đối với giới văn chương nghệ thuật vùng Việt Bắc, với cán bộ và sinh viên Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, nơi ông từng công tác và gắn bó.

Kỉ niệm hai mươi năm ngày mất và 80 năm ngày sinh của Vi Hồng, bài viết này xin là nén tâm hương tưởng nhớ nhà giáo – nhà văn – nhà nghiên cứu văn học dân gian Vi Hồng, người con ưu tú của núi rừng Việt Bắc.

      CHÚ THÍCH

1. Dương Thuấn (2002), Nhà văn Vi Hồng như tôi đã biết, Tạp chí Văn nghệ Dân tộc và miền núi, tr23.

2. Lâm Tiến(2006), Cách viết tiểu thuyết của nhà văn Vi Hồng,  Kỷ yếu Hội thảo về nhà văn Vi Hồng  do Hội văn học nghệ thuật và Khoa Ngữ văn – Trường ĐHSP Thái Nguyên đồng tổ chức, tr15.

01:58:30 19/04/2016 - Lượt xem: 6586
Tin liên quan