Khuynh hướng tượng trưng và siêu thực trong thơ Việt Nam hiện đạiNhóm tác giả: Trần Khánh Thành, Nguyễn Thanh Tâm, Vũ Thị Lan Anh 
Nơi xuất bản: Hà Nội 
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội 
Nơi phát hành: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội 
Lần xuất bản: 1 
Ngày xuất bản: 
ISBN: 
Kích thước: , 

Lời nói đầu

 

Yếu tố/bút pháp tượng trưng, siêu thực đã tồn tại từ lâu trong lịch sử văn học nhân loại nhưng phải đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX mới phát triển thành trào lưu nghệ thuật ở phương Tây. Tuy tồn tại trong khoảng thời gian không dài nhưng chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực có sức lan tỏa khá sâu rộng đến nhiều nền văn học trên thế giới, thâm nhập vào nhiều loại hình nghệ thuật, mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của chủ nghĩa hiện đại.

Sự tiếp xúc sâu rộng với văn hóa phương Tây từ cuối thế kỷ XIX đã dần đưa văn học Việt Nam từ quỹ đạo văn học vùng Đông Á sang quỹ đạo văn học thế giới. Phong trào Thơ mới (1932 - 1945) là kết quả của quá trình vận động tất yếu của thơ ca dân tộc trong cuộc tiếp xúc văn hóa Đông - Tây. Chỉ hơn mười năm, Thơ mới đã “đi qua” lãng mạn đến tượng trưng rồi bước chân vào lãnh địa của siêu thực để hội nhập với thơ ca thế giới. Mặc dù chưa phát triển thành những trào lưu văn học nhưng khá nhiều thi sĩ Thơ mới đã có ý thức thực hành sáng tạo theo những định hướng tư duy nghệ thuật và quan niệm thẩm mỹ của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong thời đại thi ca ấy, ý thức nghệ thuật đã được thể hiện qua những tuyên ngôn khá ồn ào, quyết liệt, qua những thi phẩm hiện đại mang màu sắc riêng. Đó là cơ sở để chúng tôi cho rằng đã hình thành khuynh hướng tượng trưng và siêu thực trong thơ Việt Nam hiện đại.

Sau Cách mạng tháng Tám, ở phía Bắc, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của loại hình văn học cách mạng nổi lên như dòng chủ lưu, khuynh hướng tượng trưng và siêu thực tồn tại một cách âm thầm, chìm khuất trong những nguồn lạch nhỏ lẻ, biểu hiện ở những thể nghiệm tìm tòi về bút pháp, những trò chơi ngôn từ, những trình hiện về vô thức và tâm linh. Những yếu tố đó biểu hiện đậm nhạt khác nhau trong thơ của Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần và một số thi phẩm khác, góp phần tạo nên tính đa dạng của nền thơ Việt Nam hiện đại.

Trong giai đoạn 1954 -1975, đất nước bị chia cắt đôi miền, văn học hai miền chịu sự chi phối của những ý thức hệ khác nhau và những giao lưu văn hóa khác nhau. Trong lúc văn học miền Bắc sáng tạo theo nguyên tắc tư tưởng - thẩm mỹ của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thì văn học miền Nam trong vùng tạm chiếm lại chịu ảnh hưởng của các trào lưu văn học hiện đại phương Tây và khuynh hướng tượng trưng, siêu thực vẫn tiếp nối trong thơ của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa…

Sau năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, văn học trở về trong mái nhà chung và từng bước tìm ra sự thống nhất trong tính đa dạng. Đặc biệt từ sau 1986, công cuộc đổi mới triệt để và toàn diện được Đảng khởi xướng đã mở ra một thời đại mới trong văn học Việt Nam. Đó là thời đại mà văn học nghệ thuật có điều kiện giao lưu hội nhập toàn cầu, được tự do tìm tòi sáng tạo, được chủ động tiếp nhận các giá trị nghệ thuật nhân loại và được thể nghiệm những phương pháp nghệ thuật khác nhau. Trong bối cảnh đó, thơ Việt Nam đương đại phát triển thật đa dạng, nhiều âm hưởng, lắm giọng điệu, nhiều khuynh hướng sáng tạo nhưng còn dang dở trong những thể nghiệm tìm tòi, chưa kết tinh được những thành tựu đỉnh cao[…].

Trong một thời gian khá dài ở miền Bắc, với sự độc tôn của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa và sự chi phối của phản ánh luận, những thành tựu của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực không được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, thậm chí có những ý kiến phê phán, phủ nhận. Những thập niên gần đây, cách nhìn nhận các trào lưu hiện đại cởi mở hơn và có lẽ vì thế mà bút pháp, yếu tố tượng trưng, siêu thực hiện diện dày đặc hơn trong thơ Việt Nam đương đại. Điều đó là xu thế phù hợp với sự vận động của tư duy nghệ thuật nhân loại trong tiến trình hiện đại hóa. Sự thay đổi cách nhìn sự vật sẽ đưa lại những khám phá mới về thế giới. Nếu chủ nghĩa hiện thực khám phá sâu sắc mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh thì chủ nghĩa tượng trưng say mê khám phá thế giới bí ẩn, kỳ diệu, một thế giới tương giao hòa hợp, vừa bình dị vừa thiêng liêng, vừa rõ ràng vừa huyền ảo; còn chủ nghĩa siêu thực, bằng cơ chế tự động tâm linh, bằng giấc mơ vụt hiện, lại khám phá thêm một giới mới, thầm kín, bí mật sâu thẳm trong nội tâm con người - thế giới của tiềm thức, vô thức. Mỗi trào lưu nghệ thuật đều góp thêm một cách nhìn con người và thế giới để thế giới nghệ thuật hiện lên đa diện, đa màu, đa dạng hơn và toàn nguyên hơn. Với tinh thần đó, chúng tôi tìm thấy hứng thú học thuật trong quá trình nghiên cứu khuynh hướng tượng trưng và siêu thực trong thơ Việt Nam hiện đại.

Để có được một hệ quy chiếu, chuyên luận mở ra bằng hai chương tổng quan về chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực trong nghệ thuật nhân loại và quá trình tiếp nhận quan niệm thẩm mỹ và nguyên tắc sáng tạo của hai thi phái này trong thơ Việt Nam hiện đại. Những chương viết tiếp theo làm sáng tỏ sự hiện diện của những khuynh hướng này trên nhiều cấp độ nghệ thuật, từ ý thức nghệ thuật đến sáng tạo thơ, từ nội dung biểu đạt đến phương thức biểu đạt, từ bút pháp đến yếu tố. Từ những phân tích các tác giả và tác phẩm có dấu ấn tượng trưng siêu thực, chuyên luận muốn khẳng định rằng, sự tiếp nhận sáng tạo các trào lưu văn học thế giới góp phần hiện đại hóa, đa dạng hóa thơ Việt Nam hiện đại. Chính quá trình giao lưu, tiếp biến ấy đã đánh thức tiềm năng sáng tạo của thi nhân, làm nổi rõ bản lĩnh, bản sắc văn hóa, sức sống ngôn ngữ dân tộc và góp phần tạo nên những thi phẩm có giá trị cho thơ ca nước nhà.

Mặc dù đã rất cố gắng nhưng có những giới hạn không dễ vượt qua, chắc chắn chuyên luận này có những thiếu sót, mong được bạn đọc chỉ giáo để cuốn sách hoàn thiện hơn. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã tạo những điều kiện thuận lợi để cuốn sách được ra mắt bạn đọc, cảm ơn các nhà khoa học, các đồng nghiệp đã góp ý cho chúng tôi trong quá trình biên soạn.

Thay mặt các tác giả

PGS.TS. Trần Khánh Thành

 
07:29:30 10/05/2016 - Lượt xem: 5423
Tin liên quan