Phạm Văn Vũ thực hiện

 

 

Là một giảng viên Sư phạm, nhưng anh chưa bao giờ có ý định xây dựng hình ảnh mô phạm trước học trò và đồng nghiệp. Là người sáng tác, nhưng anh không có thói quen ngồi trầm tư, mà luôn bắt tay vào những công việc có thể kiếm ra tiền bằng sức lao động. Thật ra, đằng sau cái vẻ ngoài của một trai trẻ bông phèng đến bất cần ấy là một con người nghiêm túc, tự trọng,  mang tư chất của một nghệ sĩ đầy khao khát.

 

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần 9 sắp diễn ra, và anh là đại biểu được chọn mời tham dự. Cá nhân anh nghĩ thế nào về một cuộc gặp gỡ như thế? 

Nguyễn Nhật Huy: Giờ tôi mới nhận được giấy mời, chưa tham dự thì biết nói thế nào cho phải. Ngồi nhà tưởng tượng chắc không nổi.

Tôi nghĩ việc gặp gỡ trao đổi là rất cần thiết. Và cũng thú vị. Có điều, gặp gỡ dù thú vị cũng sẽ qua. Tác phẩm mới là cái cuối cùng còn lại.

Nói về tác phẩm, xin được chúc mừng anh vừa đạt giải thưởng. Tôi chia sẻ thông tin anh vừa đạt giải kép về cả thơ và truyện ngắn trong cuộc thi sáng tác văn học của Báo Văn nghệ Thái Nguyên vừa qua với một số bạn bè văn chương. Nhiều người chúc mừng! Cũng có người nói với tôi rằng chuyện đó chẳng quan trọng… 

Nguyễn Nhật Huy: Đó là chuyện người đời, nhưng quả thực trong tôi cũng có hai chiều tương đối trái ngược như vậy. Vừa muốn tác phẩm của mình có một thân phận đàng hoàng đĩnh đạc, lại vừa sợ đứa con tinh thần ấy thỏa mãn sớm mà lười đi tiếp. Còn nói chẳng quan trọng thì có vẻ “làm hàng”. 

Giải thưởng này là phần thưởng sau hai năm chính thức cầm bút của tôi. Dù gì tôi cũng vui vì sự cố gắng của mình được ghi nhận trên một cuộc thi uy tín và nghiêm túc. Tuy nhiên tôi cũng luôn nhắc mình, giải thưởng là cái sẽ qua, còn bản thân mình đi được đến đâu mới là quan trọng. Mặc dù được giải, tôi vẫn nghĩ mình là người viết không chuyên. Bởi vậy - giải thưởng - sẽ phải quên nó đi. Tôi còn trẻ và tôi muốn đi đến cuối hành trình của mình. 

Quay trở lại việc có người nói thế này, có người nói thế khác, tôi không quá bận tâm. 

Tôi biết, anh còn đang bận tâm đến… mạng xã hội. Anh chủ yếu cập nhật sáng tác của mình qua trang facebook cá nhân. Đó là một sự hấp dẫn hay là một sự lựa chọn?

Nguyễn Nhật Huy: Mạng xã hội có sức hút khó cưỡng. Với tôi, viết facebook chẳng hạn, thú vị hơn nhiều so với việc viết truyền thống. Bỏ qua những tương tác, những liên văn bản, siêu văn bản…, tôi muốn nói tới tính cạnh tranh giữa vô vàn người viết. Anh giữ được sức nóng của mình bao lâu khi bài anh vừa viết vài phút sau sẽ biến mất trong biển tin tức.

Tất nhiên nó có những mặt trái. Trong mớ thông tin hỗn độn nhiều chiều, người viết dễ đánh mất mình. Đôi khi nhìn sang bài viết của người khác với sức hút lớn hơn, chúng ta dễ bị cuốn vào đó. Mặt khác, sự thất bại trên mạng xã hội luôn thường trực. Nó dễ làm người ta ghen tị với người khác và thất vọng về bản thân. Khi ai đó đăng dù là một tấm ảnh, một bài thơ, một tâm sự hay một thông tin lên mạng xã hội, thường thì đó đều là những thứ tốt nhất mà họ có. Người chơi dễ chỉ nhìn vào đó rồi so sánh với cuộc sống, tài năng của bản thân. Bởi vậy, viết trên mạng xã hội cần tỉnh táo và giữ mình, nếu không anh sẽ phung phí sức lực cho những cảm xúc vô bổ.

Thêm một lý do nữa là viết trên mạng xã hội, tác phẩm của tôi có người đọc, có sức sống. Tôi hay lang thang các cửa hàng sách và một hình ảnh tôi luôn nhớ là các tập thơ bao giờ cũng phủ bụi. Nó không có sức sống. Nó chết khi vừa mới sinh ra bởi không có người đọc. Đây cũng là lý do tôi không in thơ dù nhiều anh em bạn bè gợi ý. Tôi không muốn thấy những sản phẩm của mình chết yểu như vậy nên chọn hình thức “xuất bản” qua facebook. Dù lượng người đọc ít ỏi và chưa chắc đọc thật sự nhưng tác phẩm trên mạng vẫn là có sự sống. 

Đó là chưa kể nếu nhà văn muốn quảng bá tác phẩm của mình. Tức là văn chương không phải để đọc chơi, để tặng mà là để bán thì mạng xã hội là công cụ quảng cáo quá ưu việt. Nếu mọi người quan sát kĩ thì có thể thấy thị trường sách Việt Nam rất giàu tiềm năng, nhưng đáng tiếc nó rơi vào tay của các nhà văn Nhật, Trung Quốc hay Mỹ… Tôi cho đây không phải lỗi ở bạn đọc mà lỗi ở nhà văn. Chúng ta chưa chuyên nghiệp trong các khâu từ sáng tác đến quảng bá, phát hành. Mạng xã hội là công cụ để chúng ta có thể cạnh tranh với họ. Có lẽ tôi dùng facebook như một hình thức xuất bản cũng vì lý do này.

Và anh thấy sức cạnh tranh của mình trong thế giới đó như thế nào?

          Nguyễn Nhật Huy: Tôi nghĩ mình chưa đủ điều kiện để cạnh tranh, vì như anh biết, tôi không phải người viết chuyên nghiệp.

Tôi hiểu cái anh gọi là “chuyên nghiệp” ở đây, vì với một số người viết trẻ thời nay, viết gần với cuộc chơi. Ví dụ, trước hết như việc lựa chọn hình thức thể loại chẳng hạn. Hình như từ không gian mạng, với sáng tác bây giờ, ý niệm về thể loại ngày một mờ nhạt?

          Nguyễn Nhật Huy: Tôi không đại diện được cho những người viết trẻ, nhưng bản thân thấy cái “tạng” tôi không thích sự ổn định của thể loại. Nó như một thứ đạo đức cũ đôi khi trói buộc con người. Tôi rất thích phá vỡ các thể loại. Đi tìm cái mới thì anh phải chấp nhận đập vỡ cái cũ, đập vỡ chính bản thân mình.

Quá khứ có công việc của quá khứ. Tôi không ủng hộ việc “đập vỡ” cái cũ. Nhưng tôi thích anh ở việc “đập vỡ” chính bản thân mình.

Nguyễn Nhật Huy: Tất nhiên tôi không phủ định quá khứ. Tôi chỉ luôn có cảm giác không thỏa mãn với những lý giải của người đi trước, thậm chí có nhiều vấn đề không phục. Nó thúc đẩy tôi đi tìm một hình thức mới, một lý giải mới về cuộc sống. 

Tôi có “phá phách” một số thể loại và thấy các bạn trẻ cũng rất hứng thú với nó. Tuy nhiên những người lớn tuổi một chút lại có vẻ không mấy ưa. Tư duy thích ổn định của người Việt vẫn cần thể loại, nhưng theo quan sát của tôi, những thể loại cũ có lẽ đang dần bất lực. Chúng không thể bao quát được thế giới nữa. Bởi vậy, chúng ta cần có sự hòa trộn các thể loại. 

Dù không có chủ ý nào khi đọc, tôi vẫn thường thấy ở tác phẩm của anh những dấu hiệu hậu hiện đại. Ở đây, hậu hiện đại hay không, liệu nó có phải là vấn đề quan trọng?

          Nguyễn Nhật Huy: Nó đã từng là quan trọng với tôi trước khi tôi sáng tác, nhưng đến giờ thì hậu hiện đại có lẽ cũng chẳng còn là vấn đề. Các trào lưu rồi cũng tan biến hết, khái niệm lại càng khó tin. Bản thân anh không có tâm thế hậu hiện đại thì anh viết sẽ giống như gắn mác rượu Chivas lên chai rượu cồn. Sang thì có sang nhưng để bày tủ thôi.

Tôi có đọc về hậu hiện đại. Hiện nay nó là “mốt” và nhiều tác giả đi theo hướng đó, nhiều nhà nghiên cứu tin nó. Chắc tôi cũng vô thức hòa vào dòng chảy đấy để có chút dấu hiệu gọi là hậu hiện đại. Nhưng nhìn kĩ lại tâm thế của mình, tôi nghĩ cũng không hẳn. Không biết có tham vọng quá không, nhưng nhiều khi thấy chúng ta luôn là kẻ đi sau thế giới, tôi thấy có gì đó không cam lòng. Hậu hiện đại trên thế giới đã đi xa quá rồi nhưng chúng ta mới khởi đầu. Tôi vẫn muốn đi theo một hướng riêng biệt. Chắc trẻ tuổi luôn như vậy. 

Thật ra, điều tôi quan tâm nhất là cái bản thể bên trong của lớp “mặt nạ ngôn ngữ” ấy. Đó là một người trẻ sớm đối diện với chính mình, vừa kiêu hãnh vừa đau đớn, đủ đầy mà mất mát. Cảm nhận như thế có gần “giống” với anh không?

          Nguyễn Nhật Huy: Thật ra “mặt nạ ngôn ngữ” cũng là thứ tôi sợ khi trả lời anh, bởi nó có thể thành “diễn” bất cứ lúc nào khi nói về bản thân. Tuy nhiên, có thể bốn chiều con người kia là đúng, dù đôi lúc tôi có hoài nghi về nó. Tôi rất ngại khi nói về bản thân mình bởi cái mặt nạ trong vô thức sẽ được chụp lên bất cứ khi nào. Sự hoài nghi chính bản thân khiến tôi ít cởi mở vì có thể mình giả tạo lúc nào không biết, nhưng ở đây tôi cũng xin bộc bạch đôi điều…

Kiêu hãnh và đau đớn. Tôi nghĩ kiêu hãnh nó là khí chất của mình. Nhiều người cho tôi là người kiêu ngạo. Thực ra cũng không biết nói thế nào cho phải. Tôi là người nhận được nhiều nghi ngờ, thậm chí phủ định của người khác từ rất sớm. Có lẽ nó là phản ứng để tự vệ từ ngày đầu cầm bút, vì tôi thà bị ghét chứ không sống trong mặc cảm bởi quy chụp của người đời. Còn thực chất tôi thấy mình cũng khiêm tốn. Trong bất cứ việc gì cũng luôn cố gắng hết sức chứ chẳng ảo tưởng bản thân bao giờ. Có lẽ vì kiêu hãnh nên đau đớn như vậy. Những nỗi đau riêng tôi không muốn nhắc đến vì nó riêng tư. Còn nỗi đau chung của con người thì tất cả chúng ta đều biết. Con người nào, thời đại nào chả mang trên mình những vết thương. Người cầm bút không phải kẻ thương thuê khóc mướn, nhưng là kẻ biết lên tiếng về những nỗi đau đó. Tôi tin là như vậy.

Ở khía cạnh đủ đầy mà mất mát, trước hết tôi muốn nói tới thế hệ của mình. Tôi hay nhiều đứa trẻ sinh ra từ thời kì Đổi mới có thể được gọi là “thế hệ cây cảnh”. Nhiều bậc cha mẹ, sau những năm tháng đói khổ bao cấp, đã quá chăm bẵm những đứa con của mình như một sự bù đắp. Những đứa trẻ ấy lớn lên trở nên yếu ớt, ích kỷ và bước ra cuộc sống chúng hoàn toàn mất phương hướng trước cuộc đời. Gần đây người ta hay nhắc đến khái niệm ‘những đứa trẻ tuổi 30” cũng vì như vậy. Suốt mười năm đầu tuổi trẻ, tôi luôn đi tìm câu hỏi tại sao. Tại sao thế giới mà tôi được dạy từ khi bé và thế giới thực tế nó khác nhau đến vậy. Đó giống như một sự mất mát niềm tin. 

Mặt khác, tôi lại muốn nói về xã hội văn minh và những giá trị lầm tưởng. Tôi thấy tất cả chúng ta đều đang đủ đầy mà mất mát. Con người ngày càng ăn ngon mặc đẹp nhưng họ ngày càng tàn nhẫn và vô cảm. Nhiều người bảo tôi quá bi quan nhưng thực tế cho tôi thấy: con người đang giết nhau. Tôi rất quan tâm một luận điểm tôi đọc được gần đây: con người bây giờ yên tâm trồng cho mình một luống rau sạch rồi sẵn sàng bán cho người khác rau bẩn. Tất nhiên đó chỉ là một câu chuyện trong vô vàn câu chuyện chứng mình rằng: con người đang đủ đầy về vật chất nhưng lại mất mát rất nhiều về nhân tính. Và tôi viết về thế giới này với cảm quan như vậy.

Tôi chia sẻ với anh, vì điều đó cũng là một phần trong cảm quan của tôi. Nhưng, anh có nhớ không, người ta nói rằng, di sản lớn nhất mà nhân loại có thể để lại cho các thế hệ sau, đó là sự lạc quan.

Nguyễn Nhật Huy: Tất nhiên không ai có thể ôm mãi được sự mất mát. Tôi mang cảm quan mất mát, nhưng không có nghĩa tôi quá bi quan. Ở đây khoe một chút, bài thơ “Mặt trời” của tôi vừa đạt giải có lẽ nói rõ nhất điều ấy. Tôi thích hình ảnh dây leo bám vào vách đá leo lên và trên cao là mặt trời. Dù thế nào chúng ta vẫn phải sống.

“Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau”, Trịnh Công Sơn đã làm thế. Tôi và anh thì vẫn đang ngồi đây, có vẻ như chúng ta nói hơi nhiều. Còn bao nhiêu việc khác cần làm, hơn là ngồi viết văn…

          Nguyễn Nhật Huy: Anh đúng. Thực sự tôi cũng nghĩ chúng ta đang còn nhiều việc cần làm, bởi vì cuộc sống cá nhân còn nhiều vấn đề. Mà tôi nghĩ tôi làm những cái khác còn giỏi hơn làm thơ đấy, như là lấy vợ chẳng hạn.

          Thấy chưa, anh bắt đầu lạc quan rồi đấy…

Nguyễn Nhật Huy: Nói đùa như vậy, nhưng thực ra tôi cũng đang cố tách bạch các công việc và vấn đề của mình. Với tôi, viết hay không viết cũng chẳng làm sao vì tôi không sống bằng nghề này.

Thực ra giới văn nghệ sĩ cũng đang có nhiều xu hướng tranh luận như câu hỏi của anh. Xu hướng thứ nhất, Việt Nam là “cường quốc” thơ. Chúng ta có quá nhiều nhà thơ mà làm thơ không phải một nghề. Nó không có ích bằng các sản phẩm vật chất và nó tiêu tốn thời gian cho ngâm vịnh, chè chén. Con người vẫn sống tử tế mà chẳng cần thơ ca. Xu hướng thứ hai: trong một thế giới đã quá hiếm hoi những vẻ đẹp thì thơ ca dù chỉ mang những vẻ đẹp vô nghĩa cũng đã là có ích. Xu hướng thứ ba: không thể phủ nhận là có nhiều người làm thơ cho sang. Giờ đủ tiền bạc rồi thì con người cần danh hiệu. Mà danh hiệu nhà thơ có vẻ dễ kiếm hơn cả.

Chắc còn nhiều quan điểm nữa mà tôi chưa kịp cập nhật, nhưng tôi thích ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Hãy là một thầy giáo, một kĩ sư, một công nhân… vào ban ngày và một nhà văn, nhà thơ vào buổi tối. Thật ra thì rất khó tách bạch như vậy bởi người viết thì dễ mang ảo tưởng lớn rồi mất tỉnh táo vì nó. Ngẫm ra đó là chuyện không đáng. Cá nhân tôi không coi sáng tác là một sự nghiệp hay để làm sang (thực ra nhiều lúc không tránh được có những suy nghĩ như vậy…). Tôi chỉ thấy thơ ca dạy tôi nhiều điều và được ai đó đồng cảm thì vui. Quả thực còn nhiều điều trong cuộc sống tôi cần phải làm hơn so với thơ ca. Còn những người khác nghĩ thế nào thì tôi vẫn tôn trọng ý kiến của họ.

          Chúng ta cần tôn trọng nhau để cùng nhau tiếp tục hành trình. Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện./.

 

 

Nguyễn Nhật Huy

Sinh năm 1987.

Giảng viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.

Thành viên Câu lạc bộ Văn học Trẻ Thái Nguyên.

Có truyện ngắn và thơ đăng trên các báo: Văn nghệ Thái Nguyên, Tuổi trẻ, Văn nghệ, vv…

Giải Nhì thơ, Giải Ba truyện ngắn - Cuộc thi Sáng tác văn học 2014 - 2016 trên báo Văn nghệ Thái Nguyên.

12:30:15 28/08/2016 - Lượt xem: 2214
Tin liên quan