NGƯT. LÊ VĂN LỘC – SV K2

(Hiệu trưởng trường THPT Lý Thường Kiệt, TP Yên Bái)

Chúng tôi là những lớp đầu tiên của khoa Ngữ Văn, trường ĐHSP Việt Bắc. Đến nay các bạn gái đã nghỉ hưu và phần lớn các bạn trai đã hoặc sắp qua tuổi ngũ thập “tri thiên mệnh”. Theo sắp xếp của Kinh dịch, chúng tôi đã chuẩn bị bước vào quê độn (Thiên Sơn Độn) sau quẻ Hằng – nghĩa là “Hễ ở lâu thì phải rút lui, lánh đi, hết ngày thì tới đêm, ngồi lâu phải đứng dậy…” ( Nguyễn Hiếu Lê – Kinh dịch đạo của người quân tử).

Trải qua một đời công tác, nhắc lại thời ngày xưa tu nghiệp tại trường ĐHSP Việt Bắc, lớp trẻ bây giờ không thể mường tượng nổi nơi “thâm sơn cùng cốc” lại là nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao cho giáo dục – đào tạo. Bước vào thời kì mở cửa, quốc tế hóa về giáo dục đại học còn là nơi phấn đấu  nhưng với cơ sở hạ tầng, điều kiện học tập nghiên cứu của sinh viên ngày nay là trời, thì ngày xưa là vực được! Điều kỳ diệu của nhà trường ta, khoa Văn ta là thời “khởi thủy”, đội ngũ người thầy với nhân cách lớn, được sinh viên ngưỡng trọng, tôn thờ. “Học một biết mười” và “Học mười dạy một”. Thao tác học tập, nghiên cứu được thầy Hoàng Nhâm chủ nhiệm khoa căn dặn sinh viên chúng tôi “học, ghi, nghĩ, luyện” – là cẩm nang trong quá trình học tập , đồng thời theo đuổi quá trình dạy học của sinh viên khi ra trường. May mắn cho chúng tôi là thỉnh giảng đã được thể hiện đầy đủ về khái niệm như Luật giáo dục năm 2005 mới ban hành và thực thi tháng 1 năm 2006. Bên cạnh thầy cô giáo nòng cốt ở các phân môn, đội ngũ các thầy cô giáo, nhà nghiên cứu lí luận phê bình, nhà thơ, nhà văn lớn thậm chí có cả tướng tá trong quân đội tham gia giảng dạy, cả lý thuyết và dạy mẫu, gây ấn tượng về thầy suốt một cuộc đời công tác. Ngày nay đội ngũ thầy cô giáo thỉnh giảng có tâm và có tầm xong cũng không tránh khỏi hiện tượng “ chạy sô” theo nhiệp điệu sống và làm việc thời hiện đại. Ngày nay nội dung, chương trình, quá trình đào tạo sinh viên được xây dựng khoa học, hợp lý hơn xong ở thời điểm ngày đầu thành lập trường thành lập khoa, chúng tôi cho rằng quá trình đào tạo toàn diện, khép kín, hỗ trợ các phân môn, các môn phù hợp với sinh viên. Khâu tổ chức tự quản, chúng tôi cho rằng vẫn là những bài học bổ ích. Các tổ chức chi bộ đảng, tổ Đảng, Đoàn thanh niên hoạt động của ban các sự bộ môn, tổ chức đời sống tự quản, gắn bó với đồng bào địa phương v.v… đều có nội dung chương trình hoạt động nghiêm túc, phong phú, sinh động và hiệu quả. Chiêm ngẫm ở bản thân và bạn bè đồng nghiệp chúng ta tự hào với khoa Văn, nhà trường và với thầy cô từng dạy dỗ: không hổ thẹn với anh linh thầy cô giáo đã về cõi vĩnh hằng. Giáo dục đào tạo ở Yên Bái chúng tôi, những lớp sinh viên khoa Văn và các khoa khác, nhiều người giữ các cương vị chủ chốt về quản lý giáo dục, lực lượng nòng cốt chuyên môn ở các nhà trường sư phạm và phổ thông; một số nhà giáo được phong tặng nhà giáo ưu tú, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và toàn quốc. Lực lượng nòng cốt về chuyên môn với học vị cao, uy tín lớn, có đóng góp vào các lĩnh vực khoa học, văn học, nghệ thuật…

(Ảnh minh họa: Kí ức một thời)

Ngày nay các cơ sở giáo dục – đào tạo ở Yên Bái đều tiếp nhận các thế hệ sinh viên của các trường đại học sư phạm, chúng tôi cho rằng những lớp sinh viên khóa đầu dù học ở trường nào cũng đều một thầy dạy cả. Thậm chí chúng tôi còn được học các thầy cô giáo của trường ĐHSP Vinh- Nghệ An; sự  phân biệt chất lượng chuyên môn thuộc nỗ lực cố gắng của từng bản thân. Ngày nay việc tuyển dụng bố trí, sắp xếp của những nhà quản lí, tổ chức giáo dục – đào tạo đã tính đến nguồn, thương hiệu đào tạo của nhà trường . Với giáo dục – đào tạo ở các tỉnh miền núi, trung du và thực tế sinh viên trở về các trung tâm đô thị, khoa Văn trường ĐHSP Việt Bắc xưa kia – trường ĐHSP Thái Nguyên ngày nay vẫn là địa chỉ tin cậy. Giữa ngày hè bồi dưỡng chuyên môn chuẩn bị bước vào năm học mới 2006-2007, năm học toàn ngành giáo dục đào tạo thực hiện khâu đột phá “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”lực lượng giáo viên nòng cốt của tỉnh Yên Bái lại được các thầy cô giáo là phó giáo sư, tiến sĩ truyền đạt, giảng giải hướng dẫn, bồi dưỡng thường xuyên chu kì III (2004-2007) Đó là các thầy cô giáo ở 7 khoa của trường ĐHSP Thái Nguyên lần đầu bồi dưỡng tập trung đội ngũ giáo viên nòng cốt của tỉnh và đã có bộ giáo trình biên tập công phu. Trong số các nhà giáo hướng dẫn có cả các thầy cô nguyên là khóa đầu của trường ĐHSP Thái Nguyên: PGS-TS Nguyễn Huy Quát – người thầy, người anh của chúng tôi ở Yên Bái. Có lẽ người thầy, người anh ấy rất phấn khởi vì sự thành đạt của các cựu sinh viên ĐHSP Việt Bắc, khoa Văn: thạc sĩ Hà Kim Thúy; thạc sĩ, nhà báo Hoàng Thế Sinh, thạc sĩ Nguyễn Huyền Lương, nhà báo Nguyễn Thế Quynh, phó chủ tịch hội văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái Hoàng Việt Quân, chiến sĩ thi đua toàn quốc – giáo viên giỏi Nguyễn Thanh Nội, nhà giáo ưu tú Lê Văn Lộc và nhiều nhân vật tên tuổi khác, phải chăng đây là tín hiệu xanh cho những ai tâm huyết theo đuổi nghiệp làm thầy, hãy đến với ĐHSP Thái Nguyên, đến với khoa Ngữ Văn, đến với những bậc thầy tên tuổi luôn xứng danh mà khi nhắc tới khiến ta vững tâm, tự hào: Thầy Hoàng Nhân chủ nhiệm khoa và nhiều thầy giáo khác đều khắc ghi kỉ niệm cho mỗi người và mọi người: của ngày ấy và bây giờ…

Tháng 8 năm 2006

L.V.L

12:24:48 28/08/2016 - Lượt xem: 1238
Tin liên quan