Kỷ niệm 80 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của cố Nhà văn Vi Hồng, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đã cho ra mắt cuốn sách “Vi Hồng - Tác phẩm và dư luận” như một nén tâm nhang tưởng nhớ Nhà giáo - Nhà văn - Nhà nghiên cứu văn học dân gian bậc thầy của núi rừng Việt Bắc.

Nhà văn Vi Hồng tên thật là Vi Văn Hồng, dân tộc Tày, người ở xóm Phai Thin, xã Đức Long, huyện Hòa An (Cao Bằng). Ông sinh năm 1936, mất năm 1997. Ông viết văn từ những năm 1956, năm 1959 truyện ngắn: “Ngôi sao đỏ trên đỉnh núi Phja Hoàng” của ông đoạt giải Nhì cuộc thi của Tổng Hội Sinh viên Việt Nam; nhiều năm sau ông đều đạt các giải thưởng về văn học. Ngoài sáng tác, Vi Hồng được biết đến với tư cách một nhà nghiên cứu, phê bình văn hóa dân gian dân tộc. Năm 2012, ông vinh dự được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Cuối tháng 3 - 2016, trong một lần trò chuyện với PGS.TS Đào Thủy Nguyên, Trưởng Khoa Ngữ văn, cô “khoe” với tôi: Khoa đang bận rộn chuẩn bị cho việc ra mắt cuốn sách “Vi Hồng - Tác phẩm và dư luận”. Ban Chủ nhiệm Khoa đã họp bàn và thống nhất: Sau khi cuốn sách hoàn thành sẽ tổ chức giới thiệu rộng rãi trong cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Với nhà văn người Tày Vi Hồng, thế hệ hậu sinh như tôi chỉ được biết qua những cuốn tài liệu và lời kể của các thầy cô giảng dạy mình. Đó là một người thầy lặng lẽ cả đời, miệt mài với nhiệm vụ dạy học và nghiên cứu, viết văn. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông được phân công về làm giảng viên Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên) – và là một trong những người đặt nền móng của Khoa. Thời gian sau, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn Văn học Dân gian, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980. Từ giã cuộc đời ở tuổi 60, sự nghiệp văn học của ông thật đáng để nhiều nhà văn ngưỡng mộ: xuất bản 15 cuốn tiểu thuyết, 8 truyện ngắn, 6 tập sách về sưu tầm, nghiên cứu truyện cổ dân tộc Tày - Nùng và gần 30 công trình nghiên cứu khoa học về sli lượn, dân ca, nghi lễ người Tày, Nùng Việt Bắc.

Cuốn sách “Vi Hồng - Tác phẩm và dư luận” dày gần 1.000 trang do Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên biên tập và in ấn, gồm 3 phần: Phần 1: giới thiệu một số công trình nghiên cứu khoa học, các bài phê bình lý luận văn học về sáng tác của Vi Hồng; Phần 2: hồi ức, kỷ niệm về Nhà văn Vi Hồng; Phần 3: trích tuyển một số tác phẩm Vi Hồng sáng tác và nghiên cứu, sưu tầm trong cuộc đời. Cuốn sách còn có nhiều hình ảnh tư liệu quý về nhà văn Vi Hồng do gia đình ông cung cấp.

Nói về việc chuẩn bị cho sự ra đời của cuốn sách này, PGS.TS Đào Thủy Nguyên cho biết: Nhà văn Vi Hồng là một người thầy đáng kính, nhà văn ưu tú của núi rừng Việt Bắc. Cán bộ, giảng viên của khoa đã lên kế hoạch nhiều năm, thực hiện sưu tầm các bài viết, công trình nghiên cứu và các tác phẩm của ông để in sách. Cuốn sách được ra mắt thời điểm này không chỉ kịp kỷ niệm ngày sinh - ngày mất của nhà văn mà còn là công trình chào mừng 50 năm kỷ niệm thành lập Trường, Khoa Ngữ văn - nơi thầy từng gắn bó và công tác. Cuốn sách là nén nhang thơm của cán bộ giảng viên, sinh viên Khoa Ngữ văn dành cho một người thầy tâm huyết và tài năng, luôn được đồng nghiệp và các thế hệ học trò yêu mến.

Sự nghiệp văn chương đồ sộ và có nhiều thành tựu của nhà văn dân tộc Tày Vi Hồng đã trở thành nguồn đề tài phong phú, hấp dẫn cho giới nghiên cứu phê bình. Năm 1990 và năm 2006, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã tổ chức 2 cuộc hội thảo khoa học về nhà văn Vi Hồng. Khoảng 10 năm trở lại đây, đã có không ít công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên, sinh viên, nhiều đề tài cấp Bộ, nhiều luận văn thạc sĩ và khóa luận tốt nghiệp cũng lựa chọn các sáng tác của ông làm đối tượng nghiên cứu. Tên tuổi của nhà văn Vi Hồng đã thực sự trở thành niềm tự hào đối với giới văn chương nghệ thuật Việt Bắc và cán bộ, sinh viên Khoa Ngữ văn - nơi ông từng cống hiến và gắn bó. Trong cuốn sách “Vi Hồng - Tác phẩm và dư luận” ta sẽ bắt gặp nhiều bài viết, tóm tắt công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu về các tác phẩm của ông được chọn lọc, giới thiệu như: Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Vi Hồng (Phạm Mạnh Hùng); Cách viết tiểu thuyết của Vi Hồng (Lâm Tiến); Cảm hứng nhân văn trong tiểu thuyết của Vi Hồng (Đào Thủy Nguyên); Nhân vật trí thức trong tiểu thuyết Vi Hồng (Cao Thị Hảo); Bản sắc văn hóa Tày trong truyện ngắn Vi Hồng (Trần Thị Việt Trung - Nguyễn Thanh Thủy)… Phần hồi ức, kỷ niệm về Nhà văn Vi Hồng cũng sẽ mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc. Đó là sự gặp gỡ để hiểu hơn về con người ngoài đời của Vi Hồng, là cảm xúc mãnh liệt của người con trai khi viết về cha mình: Thương nhớ cha (Vi Hà Nguyên), của người bạn văn từng nhiều năm gắn bó và có không ít kỷ niệm với ông trên văn đàn Thái Nguyên: Nhớ Vi Hồng, Nhà văn dân tộc Tày (Hồ Thủy Giang), của người đồng nghiệp Cao Xuân Thử: Vi Hồng và văn chương của anh trong tâm trí tôi… Một điều trong cuốn sách có lẽ tôi và nhiều độc giả cũng sẽ rất thích thú. Đó là phần trích đăng một số tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn và phần nghiên cứu, sưu tầm của nhà văn Vi Hồng như: Thì thầm dân ca nghi lễ; Truyện cổ dân tộc Tày; Sli, lượn dân ca trữ tình Tày, Nùng... Đây thực sự là một kho tư liệu quý với những sinh viên, học viên cao học và những người làm công tác nghiên cứu phê bình văn học nói chung.

Bà quả phụ của cố nhà văn Vi Hồng - bà Hà Thúy Đèm  - người luôn bên cạnh và là thư ký đánh máy của ông suốt quãng thời gian ông bị bệnh, nay đã ở tuổi ngoài 60. Sau khi nghỉ hưu (bà Đèm trước là cán bộ văn thư của Khoa Ngữ văn), bà vẫn ở một mình trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ, giản dị gần Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Bà xúc động nói: Biết Khoa Ngữ văn đang chuẩn bị in cuốn sách nhân kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của ông ấy, tôi mừng lắm. Mừng vì bao năm rồi, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên vẫn còn nhớ và quan tâm tới ông nhà tôi. Còn buồn vì ông không còn sống để được đón nhận niềm vinh dự, tự hào này.

Cuốn sách “Vi Hồng - Tác phẩm và dư luận” thể hiện tấm lòng, tình cảm của các cán bộ Khoa Ngữ văn tri ân và tưởng nhớ tới cố nhà văn Vi Hồng, là một tư liệu quý cho nhiều thế hệ tìm đọc, lưu giữ.

Nhà văn Vi Hồng (người đeo kính) trong một lần gặp gỡ với sinh viên khóa 3, Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (Ảnh gia đình cung cấp).

Nhà văn Vi Hồng (người đeo kính) trong một lần gặp gỡ với sinh viên khóa 3, Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. (Ảnh gia đình cung cấp)

Vợ của cố nhà văn Vi Hồng, bà Hà Thúy Đèm ngồi đọc lại tác phẩm của chồng mình tại nhà riêng.

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            Linh Lan

10:43:26 08/09/2016 - Lượt xem: 4732
Tin liên quan