Dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015 nêu rõ quan điểm phát triển chương trình theo định hướng năng lực, nghĩa là phải đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học. Để đáp ứng những đòi hỏi của một nền giáo dục hiện đại, chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn của các trường Đại học Sư phạm, trong đó có trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, không chỉ chú trọng trang bị tri thức khoa học cơ bản mà còn phải đặc biệt quan tâm đến công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. Với mục đích đó, trong hai ngày 24 và 25 tháng 9 năm 2016, khoa Ngữ văn - trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã tổ chức đợt sinh hoạt với chuyên đề “Bồi dưỡng kiến thức nghề nghiệp cho sinh viên K48”.
Đến dự các buổi sinh hoạt chuyên đề có đại diện Khoa Ngữ văn có Ths. Đặng Quyết Tiến - Phó Trưởng Khoa; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên Ths. Lê Quang Sơn và Ths. Đặng Thị Lan Hương - giáo viên trường THPT Chuyên Thái Nguyên; Ths Ngô Thu Huyền - giáo viên trường THPT Vùng Cao Việt Bắc; giáo viên Ngữ văn của các trường THPT Đại Từ, Phổ thông Nội trú, giáo viên và học sinh trường THPT Thái Nguyên cùng các cán bộ giảng viên và sinh viên khóa 48, 49 (năm thứ 3, năm thứ 4) khoa Ngữ văn.
Chiều ngày 24 tháng 9, Ths. Đặng Thị Lan Hương, giáo viên trường THPT Chuyên Thái Nguyên và các em học sinh trường THPT Thái Nguyên đã tiến hành hoạt động dạy - học đọc hiểu bài “An Dương Vương và Mỵ Châu Trọng Thủy” (Ngữ văn 10) theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Bài giảng được tiến hành với các hoạt động trải nghiệm, hình thành kiến thức mới, luyện tập, ứng dụng, mở rộng đã đưa học sinh “tham quan” di tích lịch sử Cổ Loa, giúp các em nắm chắc đặc trưng của thể loại truyền thuyết, học sinh được nhập vai vào các nhân vật, được cùng tác giả dân gian đưa ra quan điểm lịch sử của riêng mình và từng bước chiếm lĩnh tác phẩm. Ngoài ra, bài giảng còn có nội dung tích hợp với kiến thức lịch sử, giáo dục công dân, địa lí… giáo dục học sinh lòng yêu nước và tinh thần cảnh giác trước kẻ thù xâm lược… Qua đó hình thành và phát triển các năng lực như hợp tác, làm chủ bản thân, giao tiếp, cảm thụ thẩm mĩ…
Sáng ngày 25 tháng 9, Ths. Ngô Thu Huyền, giáo viên Ngữ văn và các học sinh của trường THPT Vùng Cao Việt Bắc đã tổ chức hoạt động dạy - học bài “Luyện tập phỏng vấn và trả lời phỏng vấn’’(Ngữ văn 11) theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Giờ học diễn ra sôi nổi, hào hứng với các hoạt động phỏng vấn theo chủ đề: “Văn hoá và trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hoá”. Nhóm 1: Văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể (học sinh đến bảo tàng quân đội và bảo tàng dân tộc sau đó tiến hành phỏng vấn và quay Video Clips.). Nhóm 2: Văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. (học sinh phỏng vấn về hát Then, lễ hội Lồng Tồng, quan họ Bắc Ninh. Nhóm 3: Văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa trong cuộc sống thường ngày. (học sinh phỏng vấn về văn hoá mặc). Nhóm 4: Quy định của pháp luật nhà nước Việt Nam về văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa (học sinh tìm hiểu về luật pháp theo sgk 11 môn GDCD). Với vai trò tổ chức của giáo viên, các em học sinh đã phát huy tối đa tính tích cực chủ động trong giờ học.
Kết thúc mỗi giờ học, các đại biểu, thầy cô giáo và các em sinh viên đã trao đổi về những kinh nghiệm giảng dạy và các hoạt động ở trường phổ thông. Qua đó, các em sinh viên khoá 48, 49 đã rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích để hoàn thành tốt cho phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cũng như cho các hoạt động thực tế, thực tập ở trường phổ thông.
Buổi sinh hoạt với chuyên đề Bồi dưỡng kiến thức nghề nghiệp của khoa Ngữ văn đã thành công tốt đẹp. Các em sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn luyện ý thức nghề nghiệp, kỹ năng và nghiệp vụ sư phạm. Các cán bộ giảng viên có thêm cơ đánh giá năng lực, trình độ nhận thức nghề nghiệp của sinh viên để kịp thời điều chỉnh nội dung, chương trình và phương pháp dạy - học, bổ sung những kỹ năng cần thiết cho sinh viên, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa “cơ sở đào tạo” và “cơ sở tuyển dụng” nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Sau đây là một số hình ảnh của chương trình:
Đưa tin: TS Nguyễn Thị Bích (Bộ môn Phương pháp)
Ảnh: Kim Thuyền (CĐ Văn 48A)