Giáo sư Tiến sĩ Lộc Phương Thủy (sinh năm 1949 tại Yên Bái), bút danh Phương Lộc, là nghiên cứu viên cao cấp chuyên ngành văn học Pháp thế kỷ 20, nguyên Trưởng ban Văn học thế giới (nay là Phòng Văn học nước ngoài) của Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

        Lộc Phương Thủy là người dân tộc Tày, một trong những dân tộc thiểu số thuộc đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Bà sinh ngày 3 tháng 1 năm 1949 tại Yên Bái (quê quán Hưng ĐạoHòa AnCao Bằng). Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc-Thái Nguyên năm 1970, đạt học vị tiến sĩ năm 1981, học hàm phó giáo sư năm 1996 và học hàm giáo sư năm 2006, bà trở thành một trong số hiếm hoi các nữ giáo sư Việt Nam là người dân tộc thiểu số, và là một trong hai nữ giáo sư thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vào thời điểm bà được phong học hàm giáo sư.

       Từ năm 1970 đến năm 1977, sau khi tốt nghiệp đại học, Lộc Phương Thủy khởi đầu sự nghiệp là giảng viên Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Thái Nguyên (nay là Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên).

       Từ năm 1977 đến năm 1981 bà làm nghiên cứu sinh tại Khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Leningrat (Liên Xô cũ) và đạt học vị phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) với đề tài luận án văn học Công xã Paris trong kịch Pháp.

      Từ năm 1982 cho tới khi nghỉ hưu theo chế độ năm 2009, Lộc Phương Thủy là cán bộ nghiên cứu của Ban Văn học thế giới (nay là Phòng Văn học nước ngoài) thuộc Viện Văn học. Bà đạt ngạch nghiên cứu viên chính năm 1994 và trở thành nghiên cứu viên cao cấp từ năm 2003 với chuyên môn chính là nghiên cứu văn học Pháp thế kỷ 20.

       Ngoài công tác tại Viện Văn học, Giáo sư Lộc Phương Thủy còn tham gia giảng dạy đại họccao học và nghiên cứu sinh tại nhiều cơ sở đào tạo như Viện Văn họcHọc viện Khoa học xã hội,, trường Đại học Sư phạm Hà NộiĐại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái nguyên v.v.

      Giáo sư Lộc Phương Thủy đã đảm nhiệm các chức danh Phó trưởng phòng Văn học thế giới (1986-2001), Trưởng phòng Văn học thế giới (từ 2001 đến khi về hưu năm 2009), Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Văn học (từ 1988), Thư ký Hội đồng Khoa học Viện Văn học (từ 1996), Trưởng ban thư ký biên soạn bộ Lịch sử văn học Việt Nam 10 thế kỷthuộc công trình cấp nhà nước của Viện Văn học, Chủ tịch công đoàn Viện Văn học các khóa 1987-1989 và 1996-2000 và nhiều năm là Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Công đoàn Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Từ năm 2009 đến nay bà là Ủy viên Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Văn học.

      Con gái của ông bà, Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phương Ngọc (sinh năm 1972), bảo vệ luận án tiến sĩ xã hội học tại Pháp năm 2004 với đề tài Tìm về cội nguồn của nhân học ở Việt Nam. Hiện nay chị sinh sống cùng gia đình ở Pháp, giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Tổng hợp Aix-Marseille

Tác phẩm

Sách in riêng

·         Từ một góc nhìn về giao lưu văn học Việt-Pháp (1999)

·         André Gide-Đời văn và tác phẩm (2002).

In chung

·         Victo Huygô ở Việt Nam (1985)

·         Lịch sử văn học Pháp - Thế kỷ XIX (1990)

·         Lịch sử văn học Pháp - Thế kỷ XX (1992)

·         Thạch Lam, văn chương và cái đẹp (1994)

·         Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX (chủ biên,1995)

·         Hải Triều - Nhà lý luận tiên phong (1996, 2004)

·         Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học (2001)

·         Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX (2002)

·         Bản sắc hiện đại trong các tác phẩm Vũ Trọng Phụng (2003)

·         Lý luận và phê bình văn học - Đổi mới và phát triển (2005)

·         Quan niệm văn chương Pháp thế kỷ XX (chủ biên, 2005)

·         Lí luận - phê bình văn học thế giới thế kỷ XX, 2 tập (chủ biên, 2007)

·         Văn học hậu hiện đại - Diễn giải và tiếp nhận (2013)

·         Tiếp nhận văn học nghệ thuật (2013)

·         Xã hội học văn học (Đồng tác giả, 2014)

·         Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài - Kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại (Đồng chủ biên, 2015)

Công trình khác

Giáo sư Lộc Phương Thủy đã đăng nhiều công trình nghiên cứu văn học hiện đại Pháp, nghiên cứu ảnh hưởng của văn học Pháp tới Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 20, nghiên cứu giao lưu văn học Việt-Pháp trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học, Tạp chí Văn học Nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; tham gia viết giáo trình văn học Pháp phục vụ giảng dạy đại học, cao học; các chuyên đề đào tạo nghiên cứu sinh.

* Bài viết của PGS.TS Vũ Nho về GS.TS Lộc Phương Thủy 

Người phụ nữ Tày chiếm lĩnh văn Tây

      Chẳng cứ gì ở Việt Nam, mà trên thế giới, ngay cả những nước tiến bộ nhất cũng vậy, các nhà khoa học nữ luôn luôn chiếm một con số khiêm tốn so với nam giới. Ở ta, phụ nữ làm công tác nghiên cứu đã hiếm. Phụ nữ người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực này lại càng hiếm. Một trong những người đó là Phó giáo sư, Tiến sĩ Lộc Phương Thủy, Trưởng ban văn học nước ngoài của Viện Văn học thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia.

 

          Điều đầu tiên có thể nói về chị, đó là một người con của núi rừng, trưởng thành hoàn toàn từ rừng núi. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa bắt đầu, một chàng trai người Tày đi lính cụ Hồ đã nhờ đơn vị làm lễ cưới đời sống mới với một cô gái Hà Nội theo gia đình tản cư lên Yên Bái. Cô con gái đầu lòng Lộc Phương Thủy của họ được sinh ra tại Yên Bái, và lớn lên, học hết cấp 3 ở Sơn La, nơi ba mẹ cô công tác sau này. Năm 1966, Lộc Phương Thủy vào học khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, ngôi trường mới mở và chiêu sinh khóa đầu tiên. Bốn năm theo học cũng là bốn năm gắn bó với rừng, với núi Phú Lương và Đại Từ của Thái Nguyên, nơi trường sơ tán. Tốt nghiệp, chị được giữ lại khoa Văn để làm công tác nghiên cứu và giảng dạy. Vẫn là ở rừng cho đến khi trường trở về thành phố Thái Nguyên sau đại thắng mùa xuân 1975. Những năm tháng đó là những năm tháng cả nước có chiến tranh. Chồng chị, thiếu úy Nguyễn Ngọc Phú, sau lễ cưới đã biền biệt công tác tại chiến trường B và C. Chị vừa một mình nuôi con nhỏ, vừa nghiên cứu giảng dạy trong điều kiện sơ tán muôn vàn gian khó. Những việc dựng nhà, đào hầm, đi rừng hái măng, lấy củi tuy nặng nhọc, nhưng vốn quen với cô gái Tày khỏe mạnh. Song, việc nghiên cứu văn học cổ Hy Lạp- La Mã để dạy lại cho các bạn sinh viên suýt soát tuổi mình thì đây là công việc mới mẻ hoàn toàn. Muốn nghiên cứu văn học nước ngoài nhất thiết phải giỏi ngoại ngữ. Vốn tiếng Trung Quốc được học từ phổ thông và bốn năm đại học có thể dùng tạm. Nhưng tiếc thay, tài liệu Trung Quốc hầu như không có. Thế là Lộc Phương Thủy lại bắt đầu a, b, c tiếng Nga để có thể đánh vật với những tài liệu ít ỏi trong thư viện. Vừa nuôi con, vừa học tập, vừa giảng dạy, cô gái Tày giàu nghị lực đã âm thầm tích lũy kiến thức. Năm 1976, trong kì thi tuyển nghiên cứu sinh đi học nước ngoài, chị đã đỗ đầu khối Ngữ văn cả nước với ba môn thi đạt 25 điểm.

 

          Sang Nga nghiên cứu về văn học Pháp, nên vừa phải học thật giỏi tiếng Nga  để đọc, để trao đổi với giáo sư hướng dẫn, chị lại phải học vỡ lòng tiếng Pháp để có thể đọc nguyên bản. Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước thời hạn 5 tháng tại Đại học Tổng hợp quốc gia mang tên Jđanôp tại Leningrat, Lộc Phương Thủy cũng thành thạo luôn  cả hai thứ tiếng Pháp, Nga.

 

          Về nước, chị chuyển công tác, rời trường Sư phạm Việt Bắc để về Viện Văn học. Nhiều người mừng nhưng cũng lo cho chị. Họ nghĩ đây chỉ là một bước để hợp lí hóa gia đình. Vốn là người được đào tạo ở trường Sư phạm để dạy học là chính, nay chuyển hẳn sang nghiên cứu, liệu có thể kham nổi không? Nhất là người làm cuộc đổi thay táo bạo ấy lại là phụ nữ?

 

          Chẳng hề có ý định tranh luận với những người có “con mắt hạt đậu”, Tiến sĩ Lộc Phương Thủy tiếp tục con đường  của mình. Chị vừa củng cố tiếng Pháp, vừa mở rộng phạm vi đề tài nghiên cứu. Những bài báo, những cuốn sách viết chung rồi viết riêng cứ tuần tự xuất hiện. Chị đã in chung 9 đầu sách quan trong ở các nhà xuất bản lớn, in riêng 2 chuyên luận dày dặn và dịch 3 cuốn sách tiếng tiếng Pháp. Cho đến bây giờ Phó giáo sư, Tiến sĩ Lộc Phương Thủy đã trở thành một trong số chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về văn học Pháp.

 

          Có thể nói chị là một phụ nữ thành đạt. Chồng chị, thiếu úy Nguyễn Ngọc Phú ngày nào giờ đã là Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ tâm lí, Chủ nhiệm khoa tâm lí học quân sự của Học viện Chính trị Quân sự. Con gái chị, cháu Phương Ngọc, sau khi tốt nghiệp đại học tại liên xô, đang làm luận văn Tiến sĩ tại Pháp.

 

          Là người nghiên cứu khoa học, nhưng chị là một phụ nữ giản dị, thích làm nội trợ, thích đùa cợt và tán gẫu với bạn bè. Người cán bộ Đoàn, cán bộ Công đoàn yêu ca hát, mê diễn kịch nghiệp dư không hề có vẻ gì là đạo mạo. Chị lẫn trong muôn người phụ nữ bình thường. Bạn gặp ở đường sẽ không thể nhận ra đâu! Và đặc biệt khi gặp, bạn không thể hình dung rằng cô “viện sĩ” kia là một cô gái Tày, một cô gái sinh ra, học hành và trưởng thành từ rừng núi; mái trường đại học mà từ đó cô đã thành người nghiên cứu cũng là Đại học đầu tiên của các dân tộc ít người Việt Nam khai sinh ở trong rừng.

 

                                                                                                                                                                      3.1.2002

Bài đăng trên Văn nghệ Dân tộc thiểu số và miền núi, số 2 ( 78) /2002

Chú thích bổ sung 10/2016: Lộc Phương Thủy và Nguyễn Ngọc Phú bây giờ đều là Giáo sư, Tiến sĩ. Phương Ngọc cũng đã trở thành PGS TS  và dạy Đại học ở Pháp.
01:01:16 08/11/2016 - Lượt xem: 1153
Tin liên quan