Sinh viên Trần Thị Quỳnh Anh, lớp Văn 49 D  là người được giải Nhất cuộc thi Thiết kế logo mừng kỉ niệm 50 năm thành lập Khoa Ngữ văn. Logo do bạn Trần Thị Quỳnh Anh thiết kế đã trở thành logo của Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Lời đầu tiên, tôi xin chúc mừng bạn Trần Thị Quỳnh Anh vì Logo do  bạn thiết kế đã đạt giải Nhất trong cuộc thi Thiết kế Logo mừng kỉ niệm 50 năm thành lập Khoa Ngữ văn. Đáng vui mừng hơn nữa, Logo do bạn thiết kế đã chính thức trở thành Logo của Khoa và sẽ đồng hành cùng Khoa trong suốt chặng đường tiếp theo. Cảm giác của bạn khi nhận được tin đó như thế nào?

- Cảm ơn bạn. Tất nhiên là tôi khá bất ngờ khi nhận được tin logo do mình thiết kế đạt giải Nhất cuộc thi Thiết kế Logo mừng kỉ niệm 50 năm thành lập Khoa Ngữ văn. Thú thật là trong quá trình thực hiện tôi đã luôn cố gắng hết khả năng của mình nhưng không hề nghĩ đến việc sẽ đạt giải. Tôi rất vui mừng vì đứa con tinh thần của mình được đánh giá cao. Hơn nữa khi thấy các thầy cô, các bạn treo avatar facebook là logo do tôi làm còn được sử dụng in trên áo Khoa, in và sử dụng trên rất rất nhiều thứ khác thì tôi cảm thấy … phấn khích không hề nhẹ.

 Cảm hứng nào, ý tưởng từ đâu giúp bạn tạo nên Logo Khoa mình?

Thật sự thì tôi cũng không biết cảm hứng nào khiến tôi thực hiện nên tác phẩm này. Bắt đầu từ khoảng 4, 5 năm trước tôi mày mò tự học thiết kế đồ họa cùng một số người bạn trên diễn đàn, từ đó tôi cũng khá hứng thú với công việc này. Khi biết Khoa tổ chức cuộc thi, xuất phát từ sự yêu thích với thiết kế, cùng sự động viên của các bạn trong lớp, đặc biệt là tình yêu của tôi đối với Khoa Ngữ văn mà mình đang theo học, tôi quyết định tham gia và sử dụng hết những gì mình biết và học hỏi thêm để sáng tạo nên một chiếc logo đẹp nhất mình có thể làm. Còn về ý tưởng, những gì bạn và mọi người thấy được từ chiếc logo chính thức hiện nay khác rất xa so với ý tưởng ban đầu của tôi.

Điều cốt lõi đối với một logo là nó phải giúp nhận diện một tổ chức, phải thể hiện được sứ mệnh, ý nghĩa của tổ chức mà nó làm đại diện. Bạn thấy rằng bạn đã đưa được tất cả những điều đó vào thiết kế của mình hay chưa?

Đương nhiên một logo phải mang trong nó rất nhiều thứ như đặc trưng của đơn vị mà nó thể hiện, thông điệp, và mang nhiều ý nghĩa. Với bản dự thi tôi nộp lên có lẽ tôi chưa chuyển tải được hết những thứ đó, có thể vì tập trung vào phần hình thức bên ngoài mà tôi chưa suy nghĩ thật sâu sắc về phần nội dung. Tuy nhiên, sau khi được đánh giá cao nhất, logo của tôi đã được các thầy cô trong Khoa góp ý và tôi đã cố gắng chỉnh sửa lại tác phẩm của mình khiến nó mang đầy đủ sứ mệnh của một logo Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Tôi chân thành gửi lời cảm ơn đến tất cả các thầy cô Khoa Ngữ văn và cũng muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt đến thầy Đỗ Mạnh Hải - giảng viên Bộ môn Nghệ thuật đã giúp đỡ tôi về mặt chuyên môn để tôi hoàn thiện tác phẩm.

Ý nghĩa của logo do bạn thiết kế gắn với Khoa Ngữ văn và Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên như thế nào? Nó chuyển tải được ý nghĩa, sứ mệnh gì của Khoa Ngữ văn?

Về màu sắc, tôi sử dụng gam màu chủ đạo là màu xanh dương – màu tượng trưng của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Màu xanh dương biểu tượng cho trí tuệ, sự hiểu biết và tính chuyên nghiệp. Ngoài ra, đây còn là màu của sự thấu hiểu, cảm thông và sự an toàn. Bên cạnh đó kết hợp hài hòa với điểm nhấn là màu vàng – được xem là màu của sự hoàn hảo.Về bố cục, logo gồm 1 biểu tượng chính và các dòng chữ “KHOA NGỮ VĂN”, “TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐH THÁI NGUYÊN” “1966”. Ý nghĩa của logo nằm ở biểu tượng gồm một cây bút và một quyển sách – sự cách điệu của chữ N và V (Viết tắt của từ Ngữ văn). Ngoài ra, cây bút và quyển sách còn mang đặc trưng của Khoa Ngữ văn – viết và đọc không ngừng. Hơn nữa qua sự góp ý của thầy cô, cây bút còn được sửa đổi hướng lên trên mang thông điệp : “Viết lên trời xanh”. Có thể cây bút và quyển sách cũng khiến người ta gợi nhớ tới nhiều điều khác nhưng chắc hẳn đa phần mọi người sẽ nghĩ đến ngành văn và văn chương đầu tiên vì đây chính là đặc trưng của văn học mà từ lâu chúng ta tự quy định với nhau. Theo đó là dòng chữ đánh dấu mốc ra đời của Khoa Ngữ văn: “1966”.

Trong quá trình thiết kế bạn gặp những khó khăn, thuận lợi gì? Bạn có thể chia sẻ kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình thiết kế?

Vì tôi không phải là một người chuyên thiết kế được đào tạo bài bản mà những gì tôi biết chỉ là tự học qua bạn bè và trên mạng nên gặp khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Ngay từ đầu, khi thực hiện ý tưởng, tôi đã tưởng tượng tôi sẽ bị vấp bởi khả năng hạn hẹp của mình, chính vì vậy tôi đã muốn bỏ cuộc. Tôi dừng lại việc tham gia cuộc thi cho đến một ngày kia, khi tôi cũng sử dụng photoshop để … chỉnh sửa ảnh của mình, thì tôi chợt nảy ra một ý tưởng khác và tiếp tục công việc mà tôi nghĩ tôi sẽ bỏ dở giữa chừng. Tôi thay thế những thứ không thể thực hiện bằng những thứ mình biết, học hỏi thêm và mày mò thêm được khá nhiều thứ. Còn về kỉ niệm thì tôi nhớ nhất chính là “đẽo cày giữa đường”. Trước khi chọn ra một bài tốt nhất để nộp, tôi có 3 bản khác nhau về một số chi tiết và đưa cho bạn bè có chuyên môn hoặc đang được đào tạo chuyên sâu về thiết kế đồ họa nhờ xem giúp thì mỗi người đưa ra cho tôi một góp ý khác nhau. Tôi thử sửa theo thì người khác lại nói như vậy không đẹp. Điều này cũng không thể tránh khỏi, vì thẩm mĩ và quan niệm của mọi người là khác nhau. Cuối cùng, sau khi được chọn thì tôi nhờ các thầy cô trong Khoa góp ý và chọn những ý kiến được số đông đồng thuận, dựa theo năng lực của tôi để chỉnh sửa. Tính từ khi sửa bài lần đầu cho đến khi hoàn thành, tôi đã thực hiện khoảng 8-9 bản để có một logo được đa phần bạn bè và thầy cô ưng ý, ủng hộ nhất. Có lần tôi vừa về quê ở Lạng Sơn thì cô Mỹ Linh thông báo tôi cần lên Trường gặp thầy Hải gấp để thầy giúp sửa bài, vì thầy khá bận nên tôi cũng phải gấp rút quay trở lại Trường. Đây có thể coi là khó khăn nhưng cũng có thể là kỉ niệm vui!

 Trong nghệ thuật thiết kế logo, điều tối kị nhất là việc trùng lặp với logo của các tổ chức khác. Làm cách nào để bạn đảm bảo logo của mình mang tính riêng biệt, độc đáo?

Không chỉ đối với việc thiết kế logo mà đối với bất kì việc gì, sự giống nhau giữa các sản phẩm là điều tối kị. Nhưng đôi khi sự vô tình trùng ý tưởng lại xảy ra khá phổ biến. Trong khi thực hiện, tôi đã tham khảo khá nhiều logo của các trường học, các khoa, ban, ngành, thậm chí là của các nhãn hàng. Vừa là để xem cách họ thực hiện, tìm ý tưởng, vừa là để biết mà tránh trùng lặp với các tác giả khác. Còn việc làm thế nào để đảm bảo tính độc đáo của sản phẩm thì đơn giản lắm, tôi luôn nghĩ trong đầu rằng đang thiết kế logo cho Khoa mình, tất cả những điều tôi vẽ lên trên đó đều phải hướng về Khoa. Chắc hẳn điều này đã loại bỏ được 2/3 sự cố về việc giống một logo nào đó. Còn 1/3 còn lại cũng không có gì đặc biệt, tôi cứ làm theo, vẽ theo những gì tôi yêu thích, theo sự sáng tạo của riêng tôi. Có thể ý tưởng là trùng nhau nhưng cách thực hiện khó mà giống nhau được, đúng không?

 Người xem có thể thấy rằng logo của bạn khá đơn giản với với hai chữ “NV”  là hai chữ cái đầu viết tắt  tên Khoa, được viết cách điệu bởi hình ảnh cây bút và quyển sách để ngỏ. Có người cho rằng logo của bạn thiếu tính hoa mỹ, trừu tượng, gợi mở, bạn có quan điểm như thế nào về điều này?

Khi tôi gặp riêng thầy Hải để thầy góp ý chỉnh sửa, thầy có chia sẻ với tôi lí do thầy cùng các giám khảo khác chọn sản phẩm của tôi và đánh giá cao nhất chính bởi vì thứ nhất là sự sáng tạo, thứ hai là ý tưởng độc đáo, thứ ba là sự đơn giản. Logo càng đơn giản càng tốt, đơn giản mà vẫn chuyển tải được ý nghĩa. Tôi cũng hiểu được rằng đã là logo thì không thể quá rườm rà, lòe loẹt. Tuy nhiên, tôi khẳng định sản phẩm của tôi không hề “đơn giản” theo nghĩa thông thường. Khi mới nhìn vào logo, bạn sẽ thấy một hình tròn có 2 màu cơ bản là vàng và xanh, bên trong là một chiếc bút và một quyển sách. Nếu chỉ dừng ở đây, bạn sẽ cảm nhận rằng nó đơn giản, nhưng nhìn kĩ thì bạn sẽ có thể ghép được chi tiết bút với sách thành kí tự N, rồi quyển sách cách điệu thành chữ V, chữ NV không hề tự nhiên hiện ra ngay khi bạn nhìn. Hơn nữa, NV thể hiện rõ nhất tên đơn vị mà logo đại diện cho. Ngoài ra, tìm hiểu kĩ hơn nữa thì bạn lại hiểu được những ý nghĩa sâu sắc hơn như tôi đã nói lúc nãy.

Tôi được biết, bạn đã từng thiết kế một logo cho “phong cách văn chính luận” ở học phần Tiếng Việt thực hành và được cô Thu Quỳnh đánh giá rất cao. Bạn lại vừa nhận được giải Nhất trong cuộc thi thiết kế logo của Khoa. Điều đó chứng tỏ năng khiếu của bạn ở lĩnh vực này. Bạn có ý định theo đuổi việc thiết kế logo, áp phích trong tương lai không?

Trong một bài tập nhóm về các loại văn bản, cô giáo yêu cầu mỗi nhóm thực hiện một logo thể hiện đặc trưng thể loại văn bản của nhóm mình. Tôi đã làm một logo đại diện cho văn bản chính luận cùng slogan “Sức mạnh ngòi bút”. Cô Quỳnh hình như khá thích nó, cô còn chụp ảnh lại nữa thì phải, hì. Khi đó tôi đơn giản chỉ làm bài tập nhóm thôi. Còn với giải Nhất lần này, như tôi đã nói tôi cũng không hề đặt niềm tin sẽ được đánh giá cao. Tôi thiết kế để thỏa mãn sở thích của bản thân. Tôi không hề coi đây là một việc để phát triển thành nghề. Vì so với thiết kế, tôi yêu ngành sư phạm văn mình đang theo đuổi hơn. Ngay từ khi thi đại học, tôi cũng phân vân giữa hai ngành này, và điều gì đã chiến thắng thì hiện tại đã chứng minh. Hơn nữa, nếu tôi thực sự phát triển thành nghề tay trái thì tôi sẽ … ế khách là cái chắc. Tôi không có đầy đủ chuyên môn và tay nghề cứng cáp, nếu bạn là khách hàng bạn sẽ không thuê tôi đâu, đúng không? Nếu bạn nói tôi có năng khiếu về thiết kế đồ họa, biết đâu sau này tôi có thể phát huy năng lực thì không đâu. Ngoài sự may mắn hơn các thí sinh khác là tôi đã làm quen được với thiết kế đồ họa một vài năm, cùng sự quen biết với một số anh chị có chuyên môn và kinh nghiệm thì có lẽ phần lớn là do tôi đặt tình yêu của mình vào đó. Tôi yêu nên tôi muốn cống hiến, tôi cố hết sức để tạo nên một món quà cho Khoa của tôi, cũng giống như khi bạn nấu ăn, bạn đặt tấm lòng vào đó thì chắc chắn món ăn sẽ rất ngon.

 Cảm ơn Quỳnh Anh vì những chia sẻ thú vị của bạn, chúc bạn có nhiều niềm vui trong cuộc sống, đặc biệt sẽ sớm thực hiện được ước mơ trở thành một cô giáo dạy văn trong tương lai.

Logo chính thức của Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên

                                                                                                                        Người thực hiện: Trần Hồng

01:54:50 30/11/2016 - Lượt xem: 3211
Tin liên quan