Nghiên cứu khoa học là một trong những thế mạnh của cán bộ giảng viên và sinh viên Khoa Ngữ văn. Trong suốt hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ giảng viên và sinh viên Khoa Ngữ văn đã xuất bản hàng trăm cuốn sách, giáo trình chuyên ngành. Trong số cán bộ hiện đang giảng dạy tại Khoa, PGS.TS. Cao Thị Hảo là một trong số cán bộ có nhiều đóng góp trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Dưới đây, Khoa Ngữ văn xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách được xuất bản gần đây nhất của PGS.TS. Cao Thị Hảo: Ngôn ngữ nghệ thuật trong văn xuôi Quốc ngữ Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; Nxb. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội; ISBN: 978-6-4-62-8240-2
(Bìa sách: Ngôn ngữ nghệ thuật trong văn xuôi Quốc ngữ Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX)
Để hiểu hơn về cuốn sách này, xin gửi đến bạn Lời nói đầu cuốn sách của tác giả:
Mỗi nền văn học đều được đại diện bởi một loại ngôn ngữ nhất định. Chữ Quốc ngữ là văn tự chính yếu của nền văn học hiện đại. Là ngôn ngữ mới mẻ, lại ra đời trong thời kỳ giao lưu văn hoá Đông – Tây, chữ Quốc ngữ đã thể hiện rõ tinh thần thời đại và những đặc trưng riêng tiêu biểu ởthời kỳ đầu tiên của chặng đường hiện đại hoá văn học. Cùng với chữ Quốc ngữ, nền văn học hiện đại được thiết lập và dần hình thành. Công trình đã khảo sát và chỉ ra những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nghệ thuật trong văn xuôi Quốc ngữ ở chặng đường đầu tiên mới hình thành – giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX dưới những tác động của đời sống văn hóa, xã hội ở Việt Nam.
Tiếp cận văn học giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã có một số công trình nghiên cứu, tuy nhiên tiếp cận từ phương diện ngôn ngữ trong một cái nhìn tổng thể, xuyên suốt cả hai miền Nam, Bắc thì đây là công trình đầu tiên. Nó góp phần khẳng định chặng đường vận động của văn học đi từ mầm mống sơ khởi đến những thành tựu bước đầu, qua đó chỉ ra những nỗ lực và đóng góp của một số tác giả tiêu biểu và thể loại chủ chốt trong văn xuôi Quốc ngữ cho đời sống văn học nước nhà. Ngôn ngữ nghệ thuật là một trong những chất liệu để tạo nên những hình tượng văn học đặc thù, do đó cách hành văn, sử dụng vốn từ vựng của mỗi tác giả đều chịu tác động nhất định của thời đại và phản ánh sâu sắc tinh thần thời đại. Vì vậy công trình này thực sự có ý nghĩa khoa học trong tiến trình khám phá lịch sử văn học hiện đại nói chung và lịch sử vận động của ngôn ngữ văn tự nói riêng.
Bên cạnh đó, tiếp cận văn học từ góc độ ngôn ngữ nghệ thuật cũng là một hướng đi hứa hẹn nhiều khám phá thú vị. Bởi ngôn ngữ nghệ thuật có một vai trò đặc biệt quan trọng trong tác phẩm văn chương. Nó là phương tiện, là công cụ, là chất liệu để các nhà văn xây dựng tác phẩm nghệ thuật. Ngôn ngữ còn là chìa khóa để bạn đọc bước vào thế giới hình tượng nghệ thuật của nhà văn. Nghiên cứu về ngôn ngữ nghệ thuật không chỉ là cơ sở để chúng ta tìm hiểu, khám phá thế giới hình tượng và các lớp nội dung ý nghĩa của văn bản nghệ thuật mà còn cho chúng ta thấy những bước vận động của lịch sử văn học với những dấu ấn văn hóa nhất định. Từ đó khẳng định được những đóng góp của nhà văn cho nền văn học dân tộc đồng thời chỉ ra sự vận động của văn học nước nhà từ phương diện ngôn ngữ.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song công trình có thể không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn ở lần xuất bản sau. Hi vọng cuốn sách sẽ giúp ích cho những ai đang cần tìm hiểu, nghiên cứu, học tập về văn học Việt Nam.
Tác giả
PGS.TS. Cao Thị Hảo