Trong cái nắng đổ lửa và tiết trời oi ngộp như thế này, chỉ ước có một khung trời thật xanh và một làn nước mát lạnh, để khỏa mình vào đó, để mà khoan khoái vẫy vùng, để mà mơ mộng hồn nhiên và quên đi những áp lực nặng nề của công việc, cuộc sống.

        Ý nghĩ dẫn ta về với biển.

        Mơ mộng đưa ta về với biển.

        Và biển thật. Biển gần gũi thân thương như một cố nhân tình cờ gặp lại. Biển kín đáo thản nhiên như một thiếu nữ xa lạ và lạnh lùng. Để rồi mấy ngày gặp và xa, lưu lại trong ta những mơ hồ dai dẳng của nhớ của thương. Mới hay, hành hương về tuổi thơ cũng chính là hành hương về với biển.

        Khoa Ngữ văn trường ĐHSP Thái Nguyên vừa có một cuộc hành hương như thế.

         Đã khá lâu rồi chưa có một chuyến đi xa, một chuyến đi chơi đúng nghĩa. Đi xa thì là nghề của các thầy cô, nhất là mỗi dịp hè, lăn lộn, mải mê với các lớp bồi dưỡng, tại chức, trải khắp nẻo vùng núi phía Bắc, từ Cao Bằng, Hà Giang cho tới Yên Bái, Sơn La. Nhưng đi chơi, lại là đi về hướng mát lành như là phía biển thì không phải cứ nói đi là đi được. Ban chấp hành công đoàn Khoa đã rậm rịch cho chuyến đi này từ đầu tháng 5. Các tổ công đoàn Bộ môn đăng kí. Ngày thì đã ấn định là hai ngày cuối cùng của tháng 6 và ngày đầu tiên của tháng 7, khi cả khoa hoàn thành nhiệm vụ coi thi THPT Quốc gia từ Tuyên Quang về.

        Xuất phát từ cổng trường lúc 5h00, chiếc xe du lịch hạng sang, đời mới nhất nhãn hiệu “Ô li vơ” với hệ thống giảm xóc bằng túi khí, đem lại cho người ngồi một cảm giác bồng bềnh, thay vì cái xóc nảy người của những chiếc xe khách già nua. Một chiếc xe màu đỏ mĩ miều; một “phi hành đoàn” gồm cả già và trẻ. Cao tuổi nhất là bác “rể trưởng” Ngô Đức Thụ, phu quân của cô giáo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy; trẻ nhất là hai “quí tử”của cô giáo trẻ TS. Trần Thị Nhung, các cậu ấm mới chừng ba bốn tuổi mà rất nhanh nhẹn, tự giác, không bao giờ vòi vĩnh mẹ trong suốt cả hành trình. Cả đoàn hơn 40 người, quá rộng rãi trong chiếc xe hiện đại khổng lồ có sức chứa lên tới gần năm chục người lớn. Hai “bà bảo mẫu” là cô giáo Nguyễn Thị Bích và Ngô Thị Thu Trang đã chuẩn bị nước, sữa, hoa quả đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các thành phần trên xe. Lượt đi hơn 300 km rất đỗi nhẹ nhàng. Hơn 11 giờ trưa đã tới khách sạn Sơn Nam. Ấn tượng đầu tiên là khách sạn rất đẹp nhưng nhìn quanh quất chẳng biết biển chỗ nào. Hóa ra biển còn cách gần 2km nữa. Thì ra, đây là bãi mới, gần khu công nghiệp Nghi Sơn tận cùng đất Thanh Hóa, vươn xa một tí là đã sang đất Nghệ An. Cả đoàn nhận phòng rồi ăn trưa, nghỉ ngơi đến 4h chiều.

        Chính xác như thực thi nhiệm vụ của quân chủng hợp thành. Đúng 4h, xe đưa mọi người ra bãi biển. 15 nghìn đồng một vé tắm biển nhưng chẳng ai băn khoăn vì sao đi tắm biển lại phải mất tiền. Bãi biển sạch, có phần hoang vu “như một bờ tiền sử” (Nguyễn Tuân), nếu không có dăm ba cái chòi lá dựng lên tránh nắng và con đường bê tông nhỏ nhỏ, thoai thoải triền núi thì có lẽ khó ai hình dung đây là một bãi tắm. Tuyệt không có lấy một cọng rác, một vỏ chai. Nước xanh màu ngọc bích,nước rung rinh mềm mại, những con sóng lả lơi như vẫy gọi, chào mời. Mấy thanh niên choai choai nhào xuống nước đầu tiên. Toàn gia gồm 4 thành viên của gia đình cô Nguyễn Thủy cũng bị biển mê hoặc mà đắm mình xuống nước. Biển sạch đến không ngờ và mát đến không ngờ. Nước biển mặn chát chứ không có cái vị lợ lợ, nhờ nhờ của Sầm Sơn mỗi lần biển động. “Nữ hoàng chụp ảnh” Cao Thị Hảo vẫn đang mải mê thả dáng trên bãi cát tinh khôi, chiếc khăn choàng mỏng manh đang được hai tay giơ cao trên đầu phần phật bay lượn những đường cong mềm mại, cảm giác chỉ chờ người đẹp lỡ tay,buông một chút ơ hờ là sẽ giật phăng khỏi tay, cuốn vào miền đầy gió, về nơi nào phía biển đang lộng lẫy ngoài kia.

        Khi vẫy vùng dưới biển người ta không nghĩ đến thời gian, quên cả quá khứ của lo toan và công việc, cũng chẳng biết, nhớ, nghĩ ngày mai sẽ làm gì. Chỉ có một thực tại là đang thả mình, đắm mình, ngụp lặn vẫy vùng trong cái hào phóng của gió của sóng, trong cái mát lạnh đến đê mê của nước biển, trong cái màu xanh đã hóa thạch tới tận chân trời.

        Có vẻ khoa Văn có những kình ngư đích thực, đó là PGS.TS trưởng khoa Ngô Thị Thanh Quý và PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, trưởng bộ môn Phương pháp. Hai ‘trưởng nữ” đua nhau ngụp lặn, phô tài bơi ếch, bơi bướm, bơi sải đủ kiểu, trông cũng từa tựa như những vận động viên bơi lội đang tích cực khởi động để chuẩn bị cho một hành trình tranh chấp quyết liệt giành giật những tấm huân chương. Bác sĩ Tùng, phu quân cô giáo phó khoa Ngô Thu Thủy, thượng tá công an phu quân của cô giáo Hạnh Phương, dân hình sự chính hiệu; phóng viên quân đội đã nghỉ hưu là phu quân của cô Nguyễn Thủy…, “hiệp hội các chàng rể” đa ngành, đa lĩnh vực của khoa Văn lại xuống biển một cách từ tốn, và khá thong dong, khác hẳn cái vẻ rất “hổ báo” của mấy cô giáo đang ồn ào với biển. Hình như biển làm cho ta thay đổi, ta thật hơn là mình, trẻ trung và phóng túng hơn. Ấy vậy mà gia đình cô giáo Ngô Thị Thanh Nga thì lại khác, từ chàng phu quân có tài bắt mạch kê đơn đến hai cô con gái đều mang cái dáng vẻ “yểu điệu thục nữ” của mẹ, làm duyên cả khi xuống nước. Đúng là một gia đình lụy đẹp.

        Khoa Văn rất may mắn vì có được những chàng rể hào hoa và rất đa tài. Kĩ sư công nghệ Lương Đức Thắng là một ví dụ. Chàng phu quân của cô giáo Lê Thị Hương Giang lúc thì mải mê với những khuôn hình trong vai trò bấm máy kiêm đạo diễn, khi lại bận rộn, đăm đắm với cái “máy bay chụp ảnh” flycam rong ruổi khi khoan khi nhặt, ngay trên đầu mọi người, như một hứa hẹn những giây phút thăng hoa sẽ được ghi lại một cách tự nhiên và nguyên vẹn nhất.

        Hơn một tiếng đồng hồ giỡn sóng, mọi người hả hê trở về khách sạn. Cô phục vụ xinh đẹp và mến khách đã hứa hẹn sớm hôm sau sẽ đưa đoàn đi khám phá một bãi biển mới, còn hoang vắng trinh nguyên hơn.

        Quả thật, bãi biển mới này, dẫu xa hơn một chút, cách nơi lưu trú của đoàn dễ chừng đến 5,6 km nhưng mà đẹp thật. Chưa thấy dấu vết của những dịch vụ xô bồ, chỉ có độc một nhà hàng đơn giản, chủ yếu bán đồ uống và phục vụ nước ngọt tráng người khi tắm xong, giá cả phải chăng. Biển buổi sớm có cảm giác như chú mèo lười vừa dậy muộn, vận động một cách ẻo lả. Sóng chỉ đủ nhẹ để mơn man. Nước biển rút xa bãi phi lao hàng trăm mét. Nhưng mà thoai thoải, không sâu, có cảm giác yên tâm hơn cho người không biết bơi hoặc bơi kiểu “chuyên tu” như tụi mình. Cảm giác của sự khám phá mới lạ cũng đem cho ta sự khoan khoái, dễ chịu. Cặp cô giáo và chàng trai hình sự đã kịp kéo nhau ra tắm từ lúc 5h sáng. Đúng là cô giáo lấy công an có cái lý tưởng thẩm mỹ của nó, vừa lãng mạn văn chương vừa li kì hình sự, quả là một cặp “giời xinh”, thảo nào cô Hạnh Phương lúc nào cũng vui phơi phới.

       Không rõ là sáng kiến của cô trưởng khoa hay là một gợi ý từ cán bộ công đoàn mà hành trình đợt này nhắm tới hai mục tiêu chính, đó là biển Tĩnh Gia và biển Sầm Sơn. “Đoàn mình có nhiều các cháu bé, phải có chỗ đông vui để các cháu còn vui chơi”. Thế là lên đường quay về Sầm Sơn. Chỉ độ mất hơn một tiếng, từ biển lại về với biển, chỉ khác Tĩnh Gia tĩnh lặng bao nhiêu thì Sầm Sơn ồn ào bấy nhiên. Lại một buổi chiều quẩy tưng bừng. Lại một đêm Sầm Sơn náo động. Các cháu vui và cha mẹ cũng vui lây. Suy cho cùng thành công của một chuyến đi phải được đo bằng những niềm vui cộng lại.

        Dẫu thế, nhưng biển Tĩnh Gia vẫn khơi gợi những thích thú, vẫn đọng lại những xúc cảm lãng mạn về những con sóng hiền hòa, những tình người chân mộc, những bữa ăn mang đậm dư vị miền biển. Một hành trình đong đầy niềm vui.

        Lại về, lại chia tay, lại đắm mình trong bộn bề công việc, nhưng dư âm của chuyến đi mãi còn lắng đọng những dư vị ngọt ngào,

        Chào nhé, biển thân yêu. Chào nhé mọi người. Hẹn đến sang năm. Nhớ nhau lại về với biển...

        Dưới đây là một số hình ảnh:

 

Biển sớm

 

Ảnh tập thể toàn đoàn trong chuyến đi

 

                                                                                                                                      Tác giả: Nguyễn Kiến Thọ

 

05:28:27 21/07/2019 - Lượt xem: 898
Tin liên quan