(Khi là người dạy, tôi luôn tự hào về gốc của mình. Và đi đâu, làm gì, vẫn mang trong mình cốt cách của nhân sĩ khoa Văn, mang trong mình niềm thương mến ngọt ngào và mãnh liệt về nơi khởi nghiệp)

      Trong quãng chục năm ở trường đại học, tôi được tin cậy giao nhiều việc tốt lành: hướng dẫn nghiệp vụ và hướng dẫn khoa học, nghiệm thu nhiều giáo trình của đồng nghiệp, nhiều bài báo chuyên ngành đăng tạp chí lớn, đề tài này kia cũng khá. Việc nào tôi cũng yêu, cũng thích và cũng làm hùng hục say mê.

      Nhưng, vốn liếng lớn nhất tôi mang theo từ đây là cách tư duy logic khoa học, sự tử tế và lòng tự trọng của nghề thầy cùng vô vàn niềm thương yêu của học trò, chứ không phải là các sản phẩm của nghề. Còn lại, năng lực thì vô cùng không thể nói hay, tài sản tôi là số không tròn trịa, cùng đầy rẫy hạn chế về kỹ năng sống của cô gái tỉnh lẻ thiếu ánh sáng văn minh Hà Thành. 

      Trong 8 năm sau, tôi lại cảm ơn kiểm định chất lượng đã dạy tôi tư duy minh chứng, khả năng kiểm soát rạch ròi những quy trình làm việc và đôi mắt đánh giá các sự việc có tình, có lý. 

       Nhưng, tôi sẽ không có gì hết, nếu tôi không có những người thầy lớn đã có mặt trong từng chặng đường đời tôi đi. Họ (những cô, thầy, anh, chị) dạy tôi nghiêm cẩn bằng chính lối ứng xử nhân văn nghiêm cẩn. Họ dạy tôi yêu thương bằng chính tình yêu thương dung dị của họ với đời quanh họ. Những ngày tháng đều đặn mang sách đến căn nhà trên đồi cao giáp trường Đại học sư phạm, dịch Luận ngữ để thầy Phạm Luận nghe- nhận xét- bắt bẻ căn vặn cô trò nhỏ cho đến kì hiểu được ngọn ngành mới thôi- cách làm khoa học của thầy là thế, là phải gốc gác, phải vững, phải sâu bền. Rồi lẩn mẩn ra vườn của thầy chơi, nghe tích cây mai, cây bát tiên, cây móng rồng trong khu vườn nhỏ của cụ…

     Giờ, bóng hạc đã khuất. Khoa Văn đã ngập tràn những gương mặt hân hoan tươi trẻ, những bóng hồng rực rỡ đã thay thế cho những mái tóc phi-dê loăn xoăn sợi bạc của những cô giáo xưa như cô San, cô Vượng, cô My, cô Chanh, cô Vân...

     Và, nam nhi dường như vẫn vắng bóng chốn Văn khoa. Hậu sinh của những người thầy lớn khoa Văn như thầy Nguyễn Văn Lộc, thầy Phạm Mạnh Hùng, thầy Hoàng Hữu Bội, rồi thầy Liễn, thầy Chuỳ, thầy Hoàng Long, thầy Nguyễn Long... dường như chưa tìm thấy nữa.

      Khi là người dạy, tôi luôn tự hào về gốc của mình. Và đi đâu, làm gì, vẫn mang trong mình cốt cách của nhân sĩ khoa Văn, mang trong mình niềm thương mến ngọt ngào và mãnh liệt về nơi khởi nghiệp.

                                                                                                 

 

                                                                                       TS Nguyễn Thị Bích Hồng, cựu SV K29                                                                                                           Phó Chánh văn phòng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục

09:45:09 18/10/2016 - Lượt xem: 1807
Tin liên quan