PGS. TS Đào Thủy Nguyên – Trưởng Khoa Ngữ văn

      50 năm trước, tại một vùng đồi núi trung du tỉnh Thái Nguyên, Khoa Ngữ văn cùng với 6 khoa cơ bản của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc đã ra đời. Trải qua hành trình nửa thế kỉ xây dựng và phát triển, đến nay, Khoa đã khẳng định được vị thế là một khoa lớn, góp phần quan trọng đưa Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu hệ thống các trường sư phạm, vững vàng về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu mới về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

      Tự hào về chỗ đứng vinh quang của mình trong ngày hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại hành trình 50 năm, Khoa Ngữ văn đồng hành cùng nhân dân và đất nước.

NHƯ ĐỨA TRẺ... (1966- 1975)

     Mùa thu năm 1966, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ đang vào hồi quyết liệt, theo Quyết định số 127/CP ngày 18/7/1966 của Hội đồng Chính phủ, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (một trong hai trường đại học sư phạm đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa) được thành lập như một sự thách thức đối với kẻ thù. Khoa Ngữ văn ngày ấy được xây dựng trên một vùng đồi núi rộng chừng 20 héc ta, trong sự đùm bọc của bà con xã Đức Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Từ hai bàn tay trắng, không trường lớp, không nhà cửa, hơn chục thầy cô giáo được cử lên từ một số trường đại học ở Hà Nội và gần 100 sinh viên khóa 1 đã không quản ngày đêm đào đất, chặt tre, xẻ ván... dựng cơ nghiệp. Cuộc sống và học tập trong hoàn cảnh thời chiến khó khăn về mọi mặt: Món ăn chỉ có măng rừng là “cao lương mỹ vị”, ánh sáng là ngọn đèn dầu tù mù, thời gian học tập là giữa những lần báo động... rồi tài liệu khan hiếm, chương trình đào tạo mới (Trường ĐHSP Việt Bắc là trường đầu tiên xây dựng chương trình đào tạo hệ đại học 4 năm, trước đó là 2 hoặc 3 năm)... nhưng thầy và trò vẫn tìm được cách dạy và học phù hợp, đạt hiệu quả. Giữa rừng xanh vẫn vang tiếng giảng bài và đêm đêm vẫn rộn ràng tiếng đàn ca của thầy và trò với hành khúc: “Hãy đi xa, hãy bay xa...”

     Chiến tranh ngày càng ác liệt, đất nước đã phải huy động đến cái vốn quý nhất là những người trẻ tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường. Tạm biệt những trang văn lấp lánh vẻ đẹp ngôn từ, tạm biệt những trang giáo án đang viết dở, tạm biệt những nhân vật văn học yêu quý..., bao nhiêu chàng sinh viên Văn Khoa ngày ấy đã sẵn sàng trở thành những chàng “Lính sinh viên” gửi lại khát vọng học hành cho người ở lại. Có người đã ra đi mãi mãi không về!!! Và người ở lại đã dạy – học thay phần người ra đi. Kết thúc chặng đường 10 năm đầu “khai sơn phá thạch” đầy khó khăn thử thách, Khoa Ngữ văn đã gửi được vào đời 6 khóa sinh viên ra trường, cung cấp cho các trường sư phạm và các trường phổ thông  551 giáo viên Ngữ văn. Chúng ta đã nỗ lực vượt khó đi lên và vui mừng thu hoạch những lứa quả mùa đầu.

TRONG BÃO TỐ (1975 - 1986)

      Đất nước thống nhất, cùng với Nhà trường, khoa Ngữ văn tập trung mọi nguồn lực xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước và khó khăn riêng của đơn vị. Khủng hoảng kinh tế thời kì hậu chiến khiến cho cả đất nước lao đao. Đồng lương eo hẹp, nhiều thầy cô giáo Khoa Ngữ văn phải chật vật làm thêm nghề phụ để kiếm sống mà gia đình vẫn không khỏi đứt bữa. Sinh viên triền miên với sắn củ và hạt bo bo mà vẫn không thể “làm no...”. Chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc lại một lần nữa kêu gọi tuổi trẻ lên đường. Xếp bút nghiên, cầm khẩu súng là mệnh lệnh của trái tim và khối óc. Thầy và trò khoa Ngữ văn lãng mạn nhưng cũng không ngại ngần hi sinh gian khổ đã sớm có mặt trong đội ngũ những người ra đi vì khát vọng hòa bình. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa chưa thật dồi dào nhưng đã phải chia sẻ cho một số trường đại học thuộc khu vực miền Trung và miền Nam. Khoa tự khắc phục những thiếu hụt về đội ngũ bằng việc giữ lại những sinh viên ưu tú sau quá trình đào tạo....

      Những thách thức của thời kì hậu chiến đã dần dần được khắc phục nhờ ý chí và nghị lực vượt lên hoàn cảnh của thầy và trò Khoa Ngữ văn. Trong điều kiện khó khăn chồng chất khó khăn, Khoa vẫn duy trì đảm bảo số lượng tuyển sinh ổn định, hợp lý; đảm bảo chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao. Những giờ giảng văn sinh động vẫn cuốn hút người nghe; những cuộc hội thảo khoa học vẫn diễn ra sôi nổi; những công trình nghiên cứu khoa học vẫn ra đời; những mô hình đào tạo mới được thử nghiệm vẫn tạo ra những sản phẩm có chất lượng  tốt; những cuộc giao lưu giữa sinh viên và các nhà văn, nhà thơ vẫn được tổ chức thường xuyên; những đợt thực tế văn học vẫn mang lại hiệu quả thiết thực cho việc bồi dưỡng tâm hồn và nâng cao chất lượng đào tạo. Khoa Ngữ văn đứng chân trong bão tố vẫn vững niềm tin, hướng tương lai cùng cả nước vượt qua những thách thức của thời cuộc để hoàn thành tốt các nhiệm vụ dạy – học. Cuối chặng đường gian nan này, đội ngũ giảng viên được bổ sung 1 số ít PTS học ở nước ngoài về và một số giảng viên học sau đại học trong nước. Số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường thời kì này đã lên đến con số hàng nghìn, kịp thời đáp ứng nhu cầu giáo dục của các tỉnh miền núi phía Bắc.

LÊN ĐƯỜNG (1986 – 2000)

     Công cuộc Đổi mới đất nước tạo đà cho giaó dục - đào tạo phát triển. Khoa Ngữ văn kịp thời đón gió và chuyển lên đường ray mới, dù vẫn còn những ưu tư trăn trở và không ít khó khăn cả về tinh thần và vật chất.

     Yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn đòi hỏi đội ngũ cán bộ giảng viên phải tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Khẩn trương thu xếp cả công việc gia đình và công việc nhà trường xã hội, nhiều giảng viên đã “khăn gói” về Thủ đô để “Tầm Sư học Đạo”. Người đi gắng học tốt để nhanh chóng trở về phục vụ, còn người ở lại vừa gắng gỏi gánh vác thêm công việc của người ra đi vừa tự tìm cách bồi dưỡng kiến thức và đổi mới phương pháp dạy học ...Ý thức cao về nghề nghiệp và tinh thần tương trợ lẫn nhau ấy tạo cho Khoa Ngữ văn dần có được một đội ngũ giảng viên có trình độ cao, góp phần vào công cuộc phục hưng đất nước sau đằng đẵng những năm dài chiến tranh gian khổ. Đến những năm cuối thế kỷ XX, chúng ta tự hào đã có được một cái vốn người kha khá với 4 TS, 17 Ths và 15 GVC. Đây là tiềm lực tạm đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các loại hình đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Bên cạnh hệ đào tạo đại học chính quy, hàng năm, Khoa còn có thêm số lượng lớn học viên của các hệ chuyên tu, hệ vừa học vừa làm, hệ tại chức, hệ đào tạo từ xa, hệ đào tạo chính quy theo địa chỉ…Sự liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước còn mở thêm cơ hội để hoạt động đào tạo của Khoa được vươn cao, vươn xa. Khoa bắt đầu có những sinh viên nước ngoài tham gia các khóa đào tạo tiếng Việt. Đặc biệt sự ra đời của loại hình đào tạo sau đại học tại khoa Ngữ văn năm 1992 trong sự liên kết đào tạo với các Trường, các Viện ở Hà Nội đã cho thấy tầm vóc ngày càng lớn mạnh của Khoa Ngữ văn - một khoa cơ bản ở một Trường đại học vốn trước đây thường được xem là nhỏ và yếu với tính chất vùng miền.

     Những chuyến đi giao lưu với Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây (TQ), hay đi tham quan thực tế xuyên Việt là cơ hội để các giảng viên của Khoa học hỏi kinh nghiệm, mở mang tầm nhìn, từ đó tìm cách đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo. Lên đường với niềm vui pha lẫn lo âu, nhưng hành trình lên đường đã cho thầy trò Khoa Ngữ văn thấy rõ hơn khả năng của mình để tự tin chuẩn bị hòa nhập với dân tộc và đất nước trong một vận hội mới.

GIÓ LỘNG ĐƯỜNG KHƠI...(2000 đến nay)

     Bước sang thiên niên kỷ mới, cùng với cả đất nước, Khoa Ngữ văn đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Sự ổn định về chính trị, những thành quả phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân của thời kỳ đất nước đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường và thực hiện chính sách mở cửa đã tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cũng như đặt giáo dục Việt Nam trước những yêu cầu mới. Khoa Ngữ văn bước vào một thời kì mới sôi động, khẩn trương và rộng đường phát triển.

     Để đáp ứng yêu cầu về con người và nguồn nhân lực cho “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đội ngũ cán bộ giảng viên Khoa Ngữ văn đứng trước yêu cầu phải chuyển mạnh về chất. Người đã có bằng cấp thì tích cực chuyển hóa nhanh chất xám vào hoạt động thực tiễn. Người chưa có bằng cấp thì lấy việc đào tạo làm ưu tiên số một lúc này. Chưa có khi nào phong trào đi đào tạo nâng cao trình độ ở Khoa Ngữ văn lại rầm rộ đến thế. Có thời điểm có tới 16 giảng viên của Khoa cùng lúc đi học nghiên cứu sinh cả trong và ngoài nước. Dăm năm sau, mùa thu hoạch bắt đầu. Hầu như năm nào cũng có 2 - 3 giảng viên bảo vệ luận án Tiến sĩ. Với tất cả những nỗ lực vượt bậc đó, tính đến thời điểm này, Khoa Ngữ văn đã có được một đội ngũ giảng viên có trình độ cao có gồm: 7 Phó Giáo sư Tiến sĩ, 19 Tiến sĩ , 6 Thạc sĩ – NCS và 9 Thạc sĩ . Khoa thuộc trong tốp đầu của Trường về tỉ lệ giảng viên có trình độ cao.

     Đến nay, khoa Ngữ văn đã mở được 2 chương trình Cử nhân Sư phạm Ngữ văn (1 chương trình  cơ bản và 1 chương trình chất lượng cao), 3 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ (Văn học Việt Nam, Ngôn ngữ Việt Nam, Lí luận & Phương pháp dạy học Bộ môn Văn & Tiếng Việt) và 2 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ (Văn học Việt Nam, Ngôn ngữ Việt Nam). Uy tín của Khoa được đánh giá cao không chỉ trong phạm vi quốc gia mà đã vươn ra tầm quốc tế. Hoạt động giao lưu hợp tác liên kết đào tạo cả trong và ngoài nước của Khoa đều phát triển mạnh. Trong nước, Khoa hợp tác đào tạo vừa làm vừa học với gần hai chục tỉnh, cả miền xuôi và miền núi. Ngoài nước, Khoa cũng liên kết đào tạo có hiệu quả với nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hoa Kì, Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Đài Loan, Lào, Căm Pu Chia... 

     Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên của Khoa luôn chú trọng cả hai mảng hoạt động: nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế có giảng viên khoa Ngữ văn tham gia viết bài và có báo cáo. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đã và đang được các giảng viên của Khoa tích cực thực hiện để có thể ứng dụng vào việc phát triển chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Trong 10 năm qua Khoa đã thực hiện trên 150 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố hơn 500 bài báo trên các tạp chí quốc gia và quốc tế, số sách và giáo trình được xuất bản trên 100 cuốn.

     Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Ngữ văn luôn thuộc tốp đầu của Trường Đại học Sư phạm. Trong 10 năm qua, Khoa đã triển khai thực hiện gần 500 đề tài khoa học sinh viên, trong đó có 17 đề tài đạt Giải thưởng Sinh viên NCKH Toàn quốc (2 giải Nhất, 3 giải Nhì và nhiều giải Ba, giải Khuyến khích). Năm 2015, Khoa được nhận giấy khen của Trường về thành tích nghiên cứu khoa học của sinh viên. Những đóng góp của Khoa ở hoạt động này đã góp phần đưa nhà trường Đại học Sư phạm trở thành một trong những đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học.

       Cùng với nhà trường, khoa Ngữ văn đã có những đóng góp không nhỏ trong việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển giáo dục từ trước khi có Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trước những đòi hỏi mới của thời cuộc, theo sự chỉ đạo của Nhà trường, giảng viên khoa Ngữ văn đã sớm có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, chủ động đi trước đón đầu những định hướng đổi mới giáo dục phổ thông; tích cực, sáng tạo, khắc phục khó khăn tìm cách đổi mới ở tất cả các phương diện: nội dung chương trình đào tạo; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; kiểm tra, đánh giá. Kinh nghiệm của Khoa đã được chia sẻ với các khoa Ngữ văn của các trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm trong cả nước.

     Hiện nay, quy mô đào tạo của Khoa Ngữ văn khá lớn. Thường xuyên có trên 1.000 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học tập, nghiên cứu tại Khoa. Số lượng tuyển sinh của Khoa hằng năm ổn định với khoảng hơn 50 học viên hệ đào tạo sau đại học và trên dưới 200 sinh viên đại học. 50 năm qua, Khoa đã đào tạo được 6387 Cử nhân Sư phạm Ngữ văn hệ chính quy, 4469 Cử nhân sư phạm Ngữ văn hệ không chính quy, 746 Thạc sĩ, 26 Tiến sĩ. Trong số đó có khoảng  1/3 sinh viên là người dân tộc thiểu số. Uy tín và “thương hiệu” của Khoa đã được khẳng định thông qua chất lượng nguồn nhân lực mà Khoa đã đào tạo ra.

      Từ “chiếc nôi”  Khoa Ngữ văn nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, giữ những vị trí cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, nhà nước và các đoàn thể như: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - PGS.TS.NGƯT Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn - TS Phạm Ngọc Thưởng... Nhiều vị Hiệu trưởng các trường Đại học & Cao đẳng Sư phạm, Giám đốc các Sở - Ban - Ngành các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình... đã từng là sinh viên được đào tạo từ Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Nhiều giảng viên và sinh viên của Khoa đã và đang là những cán bộ quản lý văn nghệ, là hội viên tích cực của các Hội Văn nghệ trung ương và địa phương ở cả hai mảng: sáng tác và nghiên cứu phê bình (Lương Duy Thứ, Cù Đình Tú, Vi Hồng, Nguyễn Minh Thuyết, Lộc Phương Thủy, Vũ Anh Tuấn, Dương Thuấn, Dương Khau Luông, Hoàng Thế Sinh, Hà Lâm Kỳ, Nguyễn Thúy Quỳnh, … ). Hàng chục Tiến sĩ, hàng trăm Thạc sĩ trưởng thành từ ngôi nhà Khoa Ngữ văn đã trở thành các trưởng phòng, tổ trưởng chuyên  môn, chuyên viên chỉ đạo bộ môn; và hàng trăm nghìn giáo viên đứng lớp trong những điều kiện nhiều khó khăn thách thức… nhưng tất cả đều tận tụy, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình để góp sức vào sự nghiệp chung xây dựng và phát triển đất nước.

     Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Khoa Ngữ văn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và chức năng của đơn vị: Đào tạo giáo viên Ngữ văn có trình độ đại học, sau đại học cho các địa phương trong cả nước, đặc biệt là khu vực trung du, miền núi phía Bắc; bồi dưỡng chuẩn hoá và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên các cấp; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Với những nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ giảng viên, sinh viên Khoa Ngữ văn trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, đơn vị đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành trao tặng như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bằng khen của công đoàn ngành  Giáo dục Việt Nam, Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn TNCSHCM, Bằng khen của BCH TW Hội Sinh viên Việt Nam.... Trong phần thưởng đặc biệt - Danh hiệu Anh hùng Lao động vinh quang và cao quý mà Trường Đại học Sư phạm được trao tặng năm 2015, Khoa Ngữ văn tự hào đã góp phần mình làm nên vị thế vững mạnh của Trường Đại học Sư phạm - ĐHTN, đưa Nhà trường trở thành “lá cờ đầu trong hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên của khu vực và cả nước”.

     Cán bộ giảng viên và sinh viên Khoa Ngữ văn đang sống trong những thời khắc có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử một đơn vị - Kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa sau một chặng đường dài đồng hành cùng nhân dân và đất nước. "Ngũ thập tri thiên mệnh", Khoa Ngữ văn đang ở vào cái tuổi tràn đầy sinh lực và giàu có các giá trị tinh thần… "Ôn cố tri tân", nhìn lại và đi tới, thầy trò Khoa Ngữ văn nhận thức rất rõ rằng: Các thế hệ đi trước đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý giá, là nền tảng và động lực cho sự phát triển của Khoa trong tương lai. Từ chỗ đứng ấy, chúng ta có trách nhiệm phải đưa Khoa Ngữ văn phát triển lên một tầm cao mới. Trong bối cảnh hiện nay dẫu đã có nhiều thuận lợi nhưng thách thức đang đặt ra cũng không phải là ít, đòi hỏi toàn thể cán bộ giảng viên và sinh viên khoa Ngữ văn phải quyết tâm cao, nỗ lực phát huy thành tựu, khắc phục các hạn chế yếu kém để đưa Khoa Ngữ văn ngày càng phát triển xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Với truyền thống đoàn kết nhất trí; tương thân, tương ái; luôn có ý thức phấn đấu vươn lên, từng bước khẳng định vị thế của Khoa trong đào tạo và nghiên cứu khoa học...; với ý thức trách nhiệm cao về nghề nghiệp và sự nỗ lực không ngừng của cán bộ giảng viên và sinh viên, có thể tự tin khẳng định rằng: Khoa Ngữ văn đã và sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao; bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa dân tộc, tạo đà cho đất nước bước vào vận hội mới: hội nhập với thế giới để ngày càng vươn cao, vươn xa./

04:21:11 27/09/2017 - Lượt xem: 3006
Tin liên quan